phục vụ cho nội địa mà còn là hàng trao đổi, buôn bán có lợi. Họ đem cả
rượu sang châu Phi để đổi lấy nô lệ da đen.
Ngành thương nghiệp ở 13 bang thuộc địa cùng với công nghiệp, nông
nghiệp sản xuất hàng hóa đã phát triển. Đặc biệt thương nghiệp phát triển ở
Niu Inglân. Ngành buôn bán da lông thú, ngành đánh cá, khai thác gỗ,
thuốc lá, lúa mì, chàm đều chiếm vị trí quan trọng. Giá trị xuất khẩu không
ngừng tăng.
Trong những năm 1700- 1710, trung bình mỗi năm 13 bang thuộc địa
đã xuất sang Anh số hàng trị giá 265.783 bảng Anh. Nhưng 50 năm sau,
giá trị hàng xuất khẩu của thuộc địa Bắc Mỹ lên lới 1.044.591 bảng.
Thuộc địa còn buôn bán trực tiếp với các nước Tây Ban Nha, Pháp,
Hà Lan, Tây Ấn.
Nhưng công thương nghiệp thuộc địa không tránh khỏi mâu thuẫn với
chính quốc. Sự cạnh tranh dẫn tới việc can thiệp của chính quốc nhằm hạn
chế sự phát triển công thương nghiệp thuộc địa. Khuynh hướng của các
thuộc địa muốn tách khỏi sự ràng buộc phi lý với nền kinh tế Anh ngày
càng rõ rệt. Chính phủ Anh tìm mọi cách ngăn chặn sự phát triển công
thương nghiệp Bắc Mỹ, muốn các thuộc địa chỉ là thị trường tiêu thụ hàng
hóa của chính quốc và là vùng cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho Anh.
Do vậy, nhiều đạo luật ban hành nhằm cấm phát triển công thương nghiệp
thuộc địa. Năm 1750, “đạo luật về sắt” cấm xây dựng nhà máy cán sắt thép,
xưởng rèn lớn, lò nấu thép. Chính phủ Anh còn ngăn cấm Bắc Mỹ buôn
bán với các nước khác cũng như giữa các thuộc địa với nhau. Chính sách
thuế khóa ngày càng gây khó khăn lớn cho sản xuất công nghiệp và thương
nghiệp Bắc Mỹ. Sự chống đối lại chính quốc để phát triển là điều tất nhiên.
Giai cấp địa chủ tư sản, tư sản công thương nghiệp bất mãn trước những trở
lực do sự cạnh tranh của tư sản chính quốc gây nên. Mâu thuẫn ngày càng
sâu sắc giữa thuộc địa và chính quốc, giữa đòi hỏi phát triển của Bắc Mỹ và
sự ngăn cản phi lý của chính quyền Anh nhất định sẽ dẫn tới cuộc đấu tranh
quyết liệt