Nhà nước chú ý khuyến khích các ngành sản xuất công nghiệp tự giải
quyết yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng. Ngành sản xuất sắt, thép, vũ khí,
hàng dệt được khuyên khích. Việc chế tạo giấy, kính v.v… đều được cải
tiến. Ngành sản xuất hàng len, hàng lanh, dệt vải phát triển mạnh. Đặc biệt
công nghiệp sản xuất vũ khí, thuốc súng, hàng quân nhu, công nghiệp cán
thép được chú trọng đẩy mạnh. Năm 1778 đại hội lục địa cho xây dựng
xưởng đúc đại bác ở Sping-phin. Công nghiệp kéo sợi dệt vải phục vụ cho
quân nhu cũng được cải tiến xây dựng ở Connếchticớt, Masaxuxét v.v…
Tuy vậy sản phẩm công nghiệp của Mỹ vào những năm 80 cũng chỉ trị giá
chừng 50 triệu đôla. Sự cạnh tranh của công nghiệp Anh vẫn còn là trở ngại
lớn trên con đường phát triển công nghiệp.
Cách mạng Mỹ đã có một số chính sách tiến bộ về kinh tế xã hội, song
vì quyền lợi kinh tế của giai cấp tư sản chủ nô, chế độ nô lệ đã không bị thủ
tiêu, chế độ nô lệ đồn điền ở miền Nam vẫn tồn tại.
2. Hiến pháp 1787 và bản chất giai cấp tư sản
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, 13 bang thuộc địa đã có
những điều khoản liên hiệp cần thiết được phê chuẩn năm 1781. Các tiểu
bang còn giữ nhiều quyền lớn, đặc biệt quyền thu thuế và buôn bán. Quyền
hành pháp và tư pháp của Hội đồng lục địa chưa đủ bảo đảm cho sự điều
hành kinh tế, quản lý thống nhất.
Sau khi thắng lợi, việc xây dựng một chính quyền trung ương đáp ứng
nhu cầu quản lý xã hội đã thúc đẩy Hội nghị liên bang khai mạc vào tháng
5 năm 1787. Sau bốn tháng thảo luận, Hội nghị đã đưa ra một dự thảo Hiến
pháp có vị trí hết sức quan trọng trong lịch sử nước Mỹ.
Dưới quyền chủ tọa của Oasinhtơn, các đại biểu đã thỏa thuận biến
nước Mỹ từ một liên bang nhiều quốc gia thành một quốc gia liên bang.
Nguyên tắc tổ chức chính quyền là sự phân lập 3 quyền: quyền lập
pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp.