II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG
DÂN TỘC ĐẦU THẾ KỶ XIX
1. Mâu thuẫn xã hội và bước đầu của phong trào đấu tranh
Các thuộc địa ở Mỹ la-tinh là một nguồn thu lợi nhuận vô tận của nhà
vua và quý tộc Tây Ban Nha. Tầng lớp trên của thương gia Tây Ban Nha
cũng thu được những món lãi kếch sù trong việc buôn bán với các thuộc
địa. Để giữ độc quyền, Chính phủ Tây Ban Nha cấm người ngoại quốc
không được buôn bán với các thuộc địa và không được vào thuộc địa. Ngay
ở Tây Ban Nha, tầng lớp đại thương gia cũng giữ độc quyền ngoại thương.
Chỉ một số ít thương gia được bán hàng ở một số hải cảng nhất định trong
vùng châu Mỹ thuộc Tây Ban Nha.
Chế độ cai trị của Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh đã kìm hãm sự phát triển
kinh tế và chính trị của các thuộc địa. Các hàng rào thuế quan được dựng
lên và ngay trong thuộc địa cũng có những sự cấm đoán cản trở việc buôn
bán. Vì sợ bị cạnh tranh và muốn duy trì lợi nhuận ngày càng nhiều, chúng
cấm các thuộc địa không được sản xuất những hàng hóa thiết yếu nhất và
cấm cả việc trồng những hoa màu thường nhập từ Tây Ban Nha như ô liu,
nho, v.v… Nhưng trong sự cấm đoán và hạn chế đó, các địa chủ Criôlô và
giai cấp tư sản dân tộc mới hình thành, chủ yếu là tư sản thương hghiệp,
cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định trong việc xuất khẩu các sản
phẩm thuộc địa như bông, đường, cà phê, ca cao… và được nhập một số
hàng hóa công nghiệp. Song điều đó không thể làm cho các địa chủ và tư
sản địa phương thỏa mãn, bởi vì ngay chính kinh tế Tây Ban Nha cũng lạc
hậu không thể mua hết sản phẩm của các thuộc địa, mặt khác lại không thể
cung cấp nổi cho thuộc địa những hàng hóa công nghiệp, trong khi việc
buôn bán với các nước khác bị cấm. Chế độ độc quyền, hàng rào thuế quan,
thuế má và những biện pháp tàn bạo đã ngăn cản tư sản địa phương kinh
doanh về đủ mọi phương diện. Việc thủ tiêu chế độ thuộc địa trở thành một
yêu cầu lịch sử.