Mọi tầng lớp nhân dân đều mong muốn thoát khỏi sự thống trị của Tây
Ban Nha. Xu hướng đó dẫn đến phong trào giải phóng dân tộc, đôi khi nổ
ra những cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền thực dân. Các tầng
lớp hữu sản trong các thuộc địa, trừ những người sinh trưởng ở chính quốc
vốn là tầng lớp trên có đặc quyền, đều tỏ ra bất mãn với ách thống trị Tây
Ban Nha.
Vào khoảng 25 năm cuối thế kỷ XVIII, trong các thuộc địa Tây Ban
Nha đã nổ ra những cuộc khởi nghĩa lớn của nhân dân. Năm 1780 người
Anhđiêng ở Pêru nổi dậy khởi nghĩa, kéo dài 2 năm. Họ tuyên bố sẽ phục
hồi quốc gia của người Inca. Quân đội Tây Ban Nha phải vất vả lắm mới
đánh tan được nghĩa quân và dìm gần 8 vạn người trong biển máu.
Năm 1781 ở Tân Granađa nổ ra cuộc khởi nghĩa nhân việc chống tăng
thuế. Quân khởi nghĩa tiến đến gần thủ đô Bôgôta. Chính quyền địa phương
phải vội vàng tuyên bố giảm thuế. Nhưng cuối cùng nghĩa quân vẫn bị quân
đội Tây Ban Nha đánh bại.
Năm 1797 lại nổ ra một cuộc khởi nghĩa ở thành phố Kô rô thuộc
Vênêxuêla, nhưng cũng bị trấn áp tàn nhẫn.
Một trong những người xuất sắc đấu tranh cho nền độc lập của các
thuộc địa Tây Ban
Nha ở Mỹ la-tinh cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX là Frăngxixcô
đô Miranđa quê ở Vênêxuêla. Ông đã tham gia cuộc đấu tranh giành độc
lập của các thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ và đã chiến đấu trong hàng ngũ quân
đội cách mạng Pháp. Ông hy vọng vào sự giúp đỡ của nhóm Girôngđanh ở
Pháp, đồng thời ông liên hệ chặt chẽ với chính phủ Anh. Từ nước ngoài,
ông tìm cách tổ chức khởi nghĩa ở Vênêxuêla, đổ bộ vào bờ biển tiến hành
đấu tranh, nhưng việc không thành.
Có ảnh hưởng lớn đối với các thuộc địa Tây Ban Nha là cuộc chiến
tranh giải phóng ở Bắc Mỹ. Bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 và hiến pháp
của Hiệp chúng quốc Mỹ đã trở thành ngọn cờ đấu tranh đối với những
người yêu nước ở Mỹ la-tinh. Họ cũng hấp thụ một cách say sưa tư tưởng