yêu nước này đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ nô lệ và thành lập nước cộng
hòa. Nhưng năm 1789, chính phủ thuộc địa phát hiện được và Tirađăngti bị
giết chết.
2. Phong trào cách mạng và việc thành lập các quốc gia độc lập
(1810-1826)
Những biến cố năm 1808 ở Tây Ban Nha đã thúc đẩy trực tiếp phong
trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa Tây Ban Nha.
Việc Tây Ban Nha thua quân Pháp trong cuộc chiến tranh của
Napôlêông làm cho ngọn lửa đấu tranh ở các thuộc địa châu Mỹ bốc cháy
dữ dội. Nền thống trị của Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh bị lung lay. Mùa hè
năm 1809 đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa ở một số thành phố thuộc Pêru và
Êcuađo, nhưng đều bị trấn áp nhanh chóng.
Tin tức về những cuộc bại trận lớn của quân đội Tây Ban Nha ở chính
quốc và tin quân Pháp chiếm đóng phần lớn đất đai trong nước đầu năm
1810 làm cho khắp các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ la-tinh đều nổi lên
khởi nghĩa. Mùa xuân và mùa hè năm 1810, ở các trung tâm lớn nhất như
Caracát, Kitô, Bôgôta, Buênốt Airét và sau đó trong hầu hết các thành phố,
chính quyền thuộc địa Tây Ban Nha bị lật đổ, các ủy ban cách mạng được
thành lập để lãnh đạo công cuộc kháng chiến cứu nước. Tháng 9 năm 1810,
phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bao trùm cả Mêhicô và Chilê. Một
đợt sóng mới của cuộc đấu tranh giành độc lập ở các thuộc địa Tây Ban
Nha đã bắt đầu.
- Cuộc đấu tranh giải phóng có quy mô lớn nhất là ở Mêhicô. Đứng
đầu phong trào là linh mục Misen Hidangô. Ông tập trung một đạo quân rất
lớn gồm hàng vạn nghĩa quân, chủ yếu là những người nông dân Anhđiêng.
Hiđangô lãnh đạo phong trào giành quyền độc lập cho đất nước mình, đòi
trả lại cho nông dân Anhđiêng đất đai bị bọn đại địa chủ chiếm hữu, đòi bãi
bỏ chế độ nô lệ da đen và thực hiện nhiều cải cách khác. Dưới sự lãnh đạo
của ông, quân khởi nghĩa chiếm nhiều thành phố lớn trong nước và uy hiếp