thủ đô Mêhicô. Nhưng đến năm 1811, họ bị đánh bại. Hiđangô và các lãnh
tụ khác bị bắt và bị xử tử.
Sau khi Hiđangô chết, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục tiến triển ở miền
Nam Mêhicô dưới sự lãnh đạo của linh mục Hôsê Môrêlôxơ - bạn của
Hiđangô, một nhà quân sự có tài. Nghĩa quân dùng vũ khí thô sơ chiến đấu
dũng cảm chống lại những đội quân tinh nhuệ của Tây Ban Nha, đánh
thắng nhiều trận. Hầu khắp miền Nam Mêhicô đều lọt vào tay quân khởi
nghĩa. Theo đề nghị của Môrêlôxơ, Đại hội dân tộc được triệu tập năm
1813, tuyên bố Mêhicô độc lập và hiến pháp của nền Cộng hòa được thông
qua năm 1814.
Nhưng thực dân Tây Ban Nha kéo quân từ chính quốc sang và đánh
tan quân của Môrêlôxơ. Năm 1815, Môrêlôxơ bị Tây Ban Nha xử bắn và
Mêhicô lại trở thành thuộc địa. Quân khởi nghĩa còn lại kéo lên núi, tập
trung lực lượng, chuẩn bị tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Vênêxuêla tuyên bố độc lập ngày 5-7-1811 và thông qua bản hiến
pháp của nền cộng hòa. Miranda trước đây định khởi nghĩa nhưng không
thành, nay trở về nước và được chỉ định làm tổng tư lệnh lực lượng vũ
trang của nước Cộng hòa Vênêxuêla.
Năm 1812 quân Tây Ban Nha mở cuộc tấn công vào nước cộng hòa
Vênêxuêla và chiếm Caracát. Miranđa bị bắt đưa về Tây Ban Nha và ông
chết trong ngục. Nhưng cuộc đấu tranh ở đây vẫn tiếp tục. Người lãnh đạo
kế tục Miranđa là Ximôn Bôliva, nhà hoạt động chính trị và nhà chỉ huy
quân sự xuất sắc nhất của Mỹ la-tinh trong thời kỳ này. Ông sinh ở Caracát
trong một gia đình địa chủ quý tộc Criôlô, đã ở châu Âu và đi du lịch nhiều
nơi. Ông đã từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Miranđa ở cấp trung tá và
sau này được phong lên cấp tướng, ông tổ chức đạo quân giải phóng của
Vênêxuêla, mở cuộc tấn công đánh chiếm Caracát vào mùa hạ năm 1813 và
tuyên bố dựng lại nền Cộng hòa vào ngày 6-8-1813.
Nhưng nền Cộng hòa Vênêxuêla thứ hai này tồn tại không lâu. Vào
giữa năm 1814, đội quân viễn chinh Tây Ban Nha tiến vào thủ đô, đánh tan