lên 6-8 lần. Việc dùng ống bễ thổi đã thúc đẩy nghề nấu sắt. Đầu thế kỷ
XVII, ở Anh có 800 lò, mỗi tuần sản xuất từ 3 đến 4 lần. Nghề đóng tầu,
sản xuất đồ gốm và kim khí cũng đạt được nhiều thành tựu lớn.
Đáng chú ý nhất là nghề dệt len dạ. Đó là một ngành sản xuất lâu đời
ở Anh và đến thế kỷ XVII đã lan rộng khắp toàn quốc. Một người nước
ngoài hồi đó phải thừa nhận rằng “Khắp cả vương quốc từ các thành phố
nhỏ cho đến nông thôn và ấp trại đều làm len dạ”. Giữa thế kỷ XVI, số
lượng len bán ra ngoài chiếm 80% toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của nước
Anh. Năm 1614, việc xuất cảng len nguyên sơ bị cấm. Nhờ đó, công nghiệp
chế biến len tăng lên mạnh mẽ và nước Anh trở thành nước cung cấp hàng
hóa bằng len cho các thị trường bên ngoài.
Bên cạnh các ngành công nghiệp cũ đã xuất hiện những ngành sản
xuất mới: bông, giấy, tơ lụa, thủy tinh, xà phòng…
Thương nghiệp Anh cũng đạt nhiều thành tựu to lớn. Thị trường dân
tộc được hình thành và các cơ sở kinh doanh của người nước ngoài dần dần
bị suy sụp. Thương nhân Anh mở rộng buôn bán với thị trường thế giới,
thành lập những công ty thương mại hoạt động từ Ban Tích đến châu Phi,
từ Trung Quốc đến châu Mỹ.
Các công ty lớn nối tiếng là: “Công ty châu Phi” (1553) buôn vàng,
ngà voi và nô lệ da đen; “Công ty Matxcơva” buôn bán dọc sông Vônga để
đi vào Ba Tư và Ấn Độ; “Công ty Phương Đông” (1579) liên lạc với các
nước ven biển Ban Tích, Na Uy, Thụy Điển, Ba Lan… “Công ty Tây Ban
Nha” (1577), “Công ty Thổ Nhĩ Kỳ (1581). Đến năm 1600, “Công ty Đông
Ấn Độ” được thành lập,đặt nhiều thương điếm ở Xurat, Madrat, Bengan
(Ấn Độ),cạnh tranh kịch liệt với thương nhân Hà Lan và Pháp.
Trung tâm mậu dịch và tài chính lớn của nước Anh là khu Xity (Luân
Đôn). Năm 1568, Sở giao dịch được thành lập, có ảnh hưởng không những
ở Anh mà cả ở châu Âu nữa. Đến thời kỳ cách mạng, sự lưu thông về ngoại
thương tăng lên gấp hai lần so với đầu thế kỷ XVII.