Sự phát triển của ngoại thương đã thúc đẩy nhanh sự thay đổi công
nghiệp. Các ngành công nghiệp, thương nghiệp, hàng hải… phát đạt tới
mức độ chưa từng có, tạo nên những yếu tố cách mạng trong lòng xã hội
phong kiến đang tan rã. Quan hệ sản xuất mới dần dần hình thành.
Ở nước Anh đã có những công trường tập trung với hàng trăm, hàng
ngàn người lao động làm thuê. Nhưng hình thức phổ biến nhất khi đó vẫn
là những công trường thủ công phân tán. Gặp nhiều khó khăn trong khi
phát triển kinh doanh ở các thành phố là nơi mà chế độ phường hội còn
thống trị, các chủ xưởng thường chuyển hướng về nông thôn. Họ phần
nhiều là chủ công trường thủ công kiêm chủ bao mua. Họ chuyên bán
nguyên liệu cho những người sản xuất hàng hóa nhỏ, phân phối vật liệu cho
các gia đình chế tạo rồi thu mua từng phần hoặc mua cả sản phẩm. Như
vậy, những người thợ thủ công vẫn ở ngay nhà mình, rải rác trong các thôn
xóm nhưng bị lệ thuộc vào nhà tư bản. Còn về phía chủ thì chỉ cần lập nên
một xưởng nhỏ để lắp hoặc sửa sang lần cuối cùng thứ hàng sắp đem bán.
Thường thường việc bán nguyên liệu và mua sản phẩm xen lẫn với việc cho
vay nặng lãi làm cho đời sống của thợ thủ công càng thêm bi đát, ngày làm
việc kéo dài, lương hạ thấp, bị phá sản và trở thành công nhân làm thuê.
Đồng thời, những người sản xuất hàng hóa nhỏ độc lập vẫn còn giữ
một vai trò khá lớn.
Sự phát triển công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa làm thay đổi bộ
mặt của nước Anh. Nhiều thành phố lớn mọc lên. Luân Đôn trở thành trung
tâm công thương nghiệp quan trọng nhất, có 20 vạn dân. Tuy nhiên, nước
Anh vào nửa thế kỷ XVII vẫn còn thua kém Hà Lan về các mặt công
nghiệp, thương nghiệp và hàng hải, luôn luôn gặp phải sự kình địch của các
thuyền buôn Hà Lan.
Tình trạng nông nghiệp và sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản vào
nông thôn