Giữa cao trào phục cổ của Thiền Tông, nhiều truyện tích về các
danh tăng lần lượt xuất hiện. Những người khởi xướng công việc
trước tác này là các thiền sư tông Hoàng Bá. Trước tiên có Kôsen
Shôton (Cao Tuyền Tính Đốn, 1633-95) với Phù Tang Tăng Bảo
Truyện (1675) và Đông Quốc Cao Tăng Truyện (1688). Thứ đến phải
kể tăng Lâm Tế Mangen Shiban (Vạn Nguyên Sư Man, phái Quan
Sơn, 1626-1710) với Diên Bảo Truyền Đăng Lục (1678), Bản Triều
Cao Tăng Truyện (1702), tăng Tào Động Tangen Jichô (Đam (Trạm)
Nguyên Tự Trừng, ? -1699) với Nhật Vực Động Thượng Chư Tổ
Truyện, 1694), Tokuô Ryôkô (Đức Ông Lương Cao) với Tục Nhật
Vực Động Thượng Chư Tổ Truyện, 1708), Reinan Shuujo (Lĩnh Nam
Tú Thứ, 1675-1752) biên tập Nhật Bản Động Thượng Liên Đăng Lục
(1727). Những tác phẩm này có mục đích khẳng định lần nữa sự có
mặt của một truyền thống Thiền Nhật Bản và nhắc nhỡ rằng truyền
thống ấy từ đây sẽ được tiếp nối. Điều đó đã được chứng tỏ qua các
tác phẩm biên tập mãi đến thời cận đại về truyện ký các thiền tăng
xuất thân từ cửa Hakuin (Bạch Ẩn) và Kogetsu (Cổ Nguyệt) như Cận
Đại Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện (1890) của Dokuon Shôju (Độc Viên
Thừa Chu, tức Ogino Dokuon, 1819-95) và Tục Cận Đại Thế Thiền
Lâm Tăng Bảo Truyện (1928-38) của Kobata Buntei (Tiểu Bạch Văn
Đỉnh, 1870-1945).