các thầy ấy trực tiếp truyền sang trò và sau đó họ đem về nước thực
hành. Đặc biệt tư tưởng "Thiền Tịnh song tu" tuy ít khi thấy nhưng
vẫn hiện diện ở Nhật nếu ta để mắt vào hành trạng của các thiền tăng
như Minh Cực Sở Tuấn, Trúc Tiên Phạm Tiên và Jakushitsu Genkô
(Tịch Thất Nguyên Quang). .
*Sự phát triển của Sôtô-shuu (Tào Động Tông)
Tuy rằng sau cuộc tranh chấp về đường lối phát triển với đồng
đạo là Gi.en (Nghĩa Diễn), đồ tôn của Dôgen là Tettsuu Gikai (Triệt
Thông Nghĩa Giới) bắt buộc rời khỏi Eiheiji (Vĩnh Bình Tự) thế
nhưng từ cửa đó đã xuất hiện Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn),
một nhân vật có tầm cỡ, người tạo ra được một cuộc thay đổi lớn cho
tông Sôtô. Ông bắt đầu công việc đó tại Daijôji (Đại Thừa Tự) ở Kaga
(tỉnh Ishikawa bây giờ) mà ông thừa kế từ thầy mình, sau lan ra đến
hai trung tâm khác là những ngôi chùa do ông lập ra như Yôkôji (Vĩnh
Quang Tự) và Sôjiji (Tổng Trì Tự) ở Noto (cũng thuộc Ishikawa). Ông
soạn Keizan Shingi (Oánh Sơn Thanh Quy (còn gọi là Động Cốc
Thanh Quy, 1324) chỉnh đốn qui củ cho tăng chúng và ra sức đào tạo
đệ tử. Không những ông đã dạy dỗ được nhiều học trò giỏi như
Myôhô Sotetsu (Minh Phong Tố Triết, 1277-1350) và Gazan Jôseki
(Nga Sơn Thiều Thạc, 1276-1366) mà còn soạn được Denkôku
(Truyền Quang Lục, 1300) ghi lại thành tích truyền pháp của tông
môn Sôtô.
Tuy nhiên, một mặt ông lại coi trọng thuyết ngũ vị và đưa khán
thoại thiền (thiền công án) vào trong giáo lý của mình nghĩa là cổ xúy
cho một tư tưởng khác lạ đối với Dôgen. Mặt khác, để có dịp thẩm
thấu vào các tầng lớp dân chúng, ông tom góp luôn vào đó những yếu
tố Mật Giáo và tín ngưỡng dân gian nữa. Như thế, lập trường của ông
còn đi xa hơn, triệt để hơn lối suy nghĩ của Gikai (Nghĩa Giới), thầy
ông. Có thể xem sự việc này đã bắt nguồn từ truyền thống của ngôi
chùa mà Keizan dùng làm căn cứ (trước kia nơi đây là tự viện của
tông Thiên Thai hệ phái Bạch Sơn), cũng như ảnh hưởng khuynh
hướng "kiêm tu" của phái Hottô (Pháp Đăng) ông vốn đi lại thân thiết.