Điều đó có thể thấy qua việc Kohô Kakumyô (Cô Phong Giác
Minh), người thuộc phái Pháp Đăng nhưng nhận được ấn khả từ
Keizan (Oánh Sơn) và là một trong số vài đệ tử thân tín vì Kohô được
Keizan kể vào nhóm "tứ môn nhân lục huynh đệ" mà ông đặt ra để
hợp lực duy trì Yôkôji (Vĩnh Quang Tự) về sau. Do đó, ngay lúc
Keizan đã qua đời rồi, Kohô vẫn ngầm vận động để thầy mình được
ban tặng đạo hiệu thiền sư. Còn đối với Gazan Jôseki thì ông xin cho
mình được đổi qua Sôtô-shuu (Tào Động Tông). Lại nữa, Kyôô Unryô
(Cung Ông Vận Lương, 1267-1341) tuy là người phái Pháp Đăng
nhưng vẫn thờ Keizan làm thầy. Hai bên giữ được sự thân thiết bền
vững đến nỗi sau ông nhận mệnh của Keizan làm trụ trì chùa Daijôji
(Đại Thừa Tự). Mối liên hệ giữa môn đệ của Keizan và phái Pháp
Đăng vẫn còn tiếp tục mãi về sau. Như thế, ảnh hưởng của phái Pháp
Đăng đến tư tưởng Tào Động có thể nói là cực kỳ to lớn.
Muốn nói gì thì nói, nhờ có cơ sở hoạt động do Keizan (Oánh
Sơn) tạo ra mà Sôtô-shuu (tức Tào Động Nhật Bản) mới phát triển để
thành được một đại giáo đoàn hùng hậu như ngày nay. Chúng ta không
nên quên rằng vì muốn làm được điều đó, đồ đệ đồ tôn của Dôgen đã
bắt buộc phủ nhận tài sản tinh thần của ông.
Ngoài ra cũng nằm trong giáo đoàn Sôtô-shuu và đã phát triển
rộng rãi, ngang ngữa với hệ thống của Gikai (Nghĩa Giới) là môn phái
của Kangan Giin (Hàn Nham Nghĩa Doãn, 1217-1300). Phái này đã
rạch một ranh giới ảnh hưởng với hệ thống của Gikai ở Kyuushuu. Họ
đóng chốt ở chùa Daijiji (Đại Từ Tự) vùng Higo (tỉnh Kumamoto),
dùng nó làm bàn đạp để lan tỏa khắp hòn đảo miền nam nước Nhật.
Đến đời Muromachi (1333-1568), môn phái này đã trở thành một lực
lượng đáng kể, lấn mãi lên tận vùng Tôkai (ven biển phía nam Tôkyô).
*Keizan Jôkin (Oánh Sơn Thiệu Cẩn)
Ông sinh năm 1268 ở vùng Fuchuu xứ Echizen. Năm lên 8 đã
vào Eiheiji, xuất gia với Tettsuu Gikai (Triệt Thông Nghĩa Giới). Năm
13 tuổi thì đắc độ với Ejô (Hoài Trang). Từ 1285, lên đường tu học với
nhiều danh sư như Jakuen (Tịch Viên) của tông Sôtô (Tào Động Nhật