Trần Thắng phái cánh quân của Chu Văn tiến công về hướng tây,
nhanh chóng tiến vào Quan Trung (tức vùng từ Hàm Cốc quan về phía tây)
đến gần thủ đô Hàm Dương. Tần Nhị Thế hoang mang lo sợ, vội phái đại
tướng Chương Hàm thu thập dân phu và phạm nhân đang làm lao dịch ở Ly
Sơn, biên chế thành đội ngũ, phản công lại nghĩa quân. Bọn quí tộc cũ tại
sáu nước tự chiếm lĩnh địa địa bàn của mình, không hề tiếp viện cho nghĩa
quân. Cánh quân của Chu Văn phải tác chiến đơn độc, cuối cùng thất bại.
Ngô Quảng bị kẻ phản bội giết hại ở Huỳnh Dương. Tới tháng thứ sáu từ
khi khởi nghĩa bắt đầu, Trần Thắng cũng bị kẻ phản bội giết trên đường lui
quân.
Tuy Trần Thắng, Ngô Quảng mất, nhưng ngọn lửa chống Tần do họ
nhóm lên vẫn lan rộng khắp nơi. Tại quận Cối Kê ở miền nam (trị sở nay ở
Tô Châu, Giang, Tô), thanh thế quân khởi nghĩa rất lớn. Người lãnh đạo
nghĩa quân ở Cối Kê là Hạng Lương cùng với cháu là Hạng Vũ. Hạng
Lương là con của Hạng Yên, đại tướng nước Sở trước kia. Khi Sở bị đại
tướng Vương Tiễn của Tần tiêu diệt, thì Hạng Yên thất bại tự sát. Hạng
Lương vẫn muốn khôi phục Sở. Cháu Hạng Lương là Hạng Vũ, một người
to lớn và rất thông minh. Hạng Lương thân dạy Hạng Vũ học chữ, nhưng
chỉ học mấy ngày, Hạng Vũ không muốn học nữa. Hạng Lương lại dạy
Hạng Vũ học múa kiếm, nhưng sau một thời gian, Hạng Vũ cũng bỏ. Thấy
Hạng Lương rất giận, Hạng Vũ thản nhiên giải thích: "Học chữ thì có tác
dụng gì? Biết chữ, chẳng qua chỉ để viết cái tên mình. Còn học kiếm, dù có
giỏi, cũng chỉ để đánh được mấy người, không có gì ghê gớm. Đã học, thì
phải học cái gì đối phó được hàng vạn người".
Hạng Lương thấy khẩu khí Hạng Vũ như thế, liền đem binh thư do tổ
tiên truyền lại dạy cho Hạng Vũ. Hạng Vũ chỉ nghe qua là hiểu, nhưng chỉ
nắm đại ý, không chịu đi sâu vào chi tiết. Hạng Lương vốn là người ở Hạ
Tương (nay ở tây nam Túc Thiên, Giang Tô), vì có thù oán với người khác
nên tránh đến Ngô Trung thuộc quận Cối Kê. Thanh niên ở Ngô Trung thấy
Hạng Lương tài kiêm văn võ đều rất khâm phục, tôn là đại ca. Hạng Lương