Năm sau, trên núi Lục Lâm không may có dịch bệnh, số người bị chết
vì dịch bệnh lên tới hơn 2 vạn. Số còn lại đành rời núi Lục Lâm, chia làm 3
cánh quân là: Tân Thị binh, Bình Lâm (nay ở đông bắc huyện Tùng, Hồ
Bắc) binh và Hạ Giang (tên gọi đoạn sông Trường Giang từ phía tây Hồ
Bắc trở xuống) binh. Ba cánh quân đều chiếm địa bàn riêng, đội ngũ lại lớn
mạnh lên. Trong khi ở miền nam, quân Lục Lâm đánh lại quân quan ở vùng
Kinh Châu, thì ở miền đông quân khởi nghĩa cũng phát triển. Ở Hải Khúc,
Lang Nha (nay thuộc huyện Nhật Chiếu, Sơn Đông), có một bà già họ Lã
có con trai là công sai trong huyện, vì không chịu đánh đập người nghèo
không đủ tiền nộp thuế theo lệnh quan, nên bị quan huyện giết. Việc đó gây
nên căm phẫn, có hơn 100 nông dân nghèo vùng lên báo thù cho Lã mẫu,
giết quan huyện rồi cùng Lã mẫu trốn đến Hoàng Hải, có dịp là lên bờ đánh
bại quan quân.
Lúc đó, một lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa khác là Phàn Sùng dẫn mấy
trăm người đến núi Thái Sơn. Sau khi Lã mẫu chết, thủ hạ của bà đi theo
quân khởi nghĩa Phàn Sùng. Không đầy một năm, đội ngũ tăng thêm hơn
một vạn, di chuyển trong vùng Thanh Châu-Từ Châu, đánh lại bọn quan
lại, địa chủ. Quân khởi nghĩa Phàn Sùng có kỷ luật rất nghiêm, qui định kẻ
nào giết hại dân chúng sẽ bị xử tử; kẻ nào làm hại dân chúng bị xử tội. Vì
vậy, họ được dân chúng nhiệt liệt ủng hộ. Năm 21 công nguyên, Vương
Mãng phái thái sư Vương Khuông (trùng tên với Vương Khuông, lãnh tụ
quân Lục Lâm) cùng tướng Liêm Đan đem 10 vạn quân trấn áp quân khởi
nghĩa Phàn Sùng. Phàn Sùng đã chuẩn bị đầy đủ, tiến hành đại chiến với
quân Vương Mãng. Để tránh lầm lẫn khi giao chiến, Phàn Sùng hạ lệnh cho
quân mình tô màu đỏ lên lông mày, để dễ phân biệt. Do đó, quân khởi
nghĩa Phàn Sùng có biệt danh là "quân Xích Mi" (xích: màu đỏ; mi: lông
mày).
Trong trận đại chiến đó, quân Vương Mãng đại bại, chạy trốn quá nửa.
Thái sư Vương Khuông bị Phàn Sùng đâm một thương trúng đùi, được
quân cứu chạy thoát; còn tướng Liêm Đan bị giết trong đám loạn quân.