bị nông dân phản đối, mà nhiều địa chủ vừa và nhỏ cũng không ủng hộ.
Sau 3 năm, Vương Mãng lại hạ lệnh cho phép mua bán vương điền và nô tỳ
như cũ.
Vương Mãng muốn dùng chiến tranh với bên ngoài để xoa dịu mâu
thuẫn trong nước. Do đó, lại gặp phải sự chống lại của Hung Nô, Tây Vực
và các bộ tộc tây nam. Vương Mãng còn trưng dụng dân phu, tăng thuế má,
dung túng cho quan lại hà hiếp dân chúng, tăng nặng hình phạt. Vì vậy
phong trào khởi nghĩa nông dân đã bùng lên để phản kháng.
KHỞI NGHĨA LỤC LÂM, XÍCH MI
Sự bóc lột của Vương Mãng cộng với thiên tai liên tiếp khiến nông
dân không còn đường nào khác, phải vùng lên khởi nghĩa. Ở miền đông và
miền nam đều có nhiều nhóm nông dân nổi dậy chống lại quan binh. Năm
17 công nguyên, vùng Kinh Châu ở miền nam bị nạn đói, dân chúng phải
vào rừng và vùng đầm ao đào rễ cây và các thứ củ để ăn chống đói. Dần
dần, những thứ đó trở nên khan hiếm, dân đói phải tranh giành nhau. Ở Tân
Thị (nay ở đông bắc Kinh Sơn, Hồ Bắc) có 2 người uy tín là Vương
Khuông và Vương Phượng đứng ra dàn xếp, được nhân dân ủng hộ. Mọi
người bầu họ làm thủ lĩnh.
Vương Khuông và Vương Phượng liền tổ chức dân đói lại, phát động
khởi nghĩa. Họ nhanh chóng tập hợp được mấy trăm người và một số phạm
nhân vượt ngục đến tham gia. Bọn họ chiếm vùng núi Lục Lâm (nay là núi
Đại Hồng, Hồ Bắc) làm căn cứ địa, rồi chiếm vùng nông dân phụ cận. Chỉ
trong mấy tháng, nghĩa quân phát triển thành 78 nghìn người. Vương Mãng
cử 2 vạn quân quan đến dẹp quân Lục Lâm, bị đánh cho đại bại phải tháo
chạy. Quân Lục Lâm thừa thế đánh chiếm mấy tòa huyện thành, phá nhà
giam, thả tù phạm, phá kho lương thực chia cho người nghèo và vận
chuyển lên núi Lục Lâm. Người nghèo theo về càng đông, quân khởi nghĩa
tăng lên hơn 5 vạn.