cuống cuồng sợ hãi, vội tha các tù phạm trong ngục ra, tổ chức chắp vá một
đội quân phòng giữ. Nhưng một đội quân như thế làm sao có thể chiến đấu
vì Vương Mãng? Vừa tiếp xúc với Hán quân, họ đã lần lượt tan chạy.
Không lâu sau, Hán quân tiến công vào Trường An, nhân dân trong
thành sôi nổi hưởng ứng, phóng hỏa đốt cháy cửa lớn cung Vị Ương. Mọi
người lớn tiếng đòi Vương Mãng ra đầu hàng. Vương Mãng hoảng hốt, dẫn
một số tùy tùng chạy vào Tiệm Đài là một tòa lầu xung quanh là nước, lửa
không cháy tới được. Hán quân vây chặt Tiệm Đài, đợi cho quân trên đó
bắn hết tên mới xông lên, giết chết Vương Mãng. Triều Tân của Vương
Mãng tồn tại được 15 năm, cuối cùng sụp đổ trước cuộc khởi nghĩa nông
dân.
LƯU TÚ DỰNG LẠI VƯƠNG TRIỀU HÁN
Sau đại chiến Côn Dương, tiếng tăm của anh em Lưu Dần, Lưu Tú
càng lớn. Có người khuyên Canh Thủy Đế trừ bỏ Lưu Dần, Canh Thủy Đế
liền mượn cớ Lưu Dần chống lệnh, xử tội chết. Lưu Tú nghe tin anh bị giết,
biết lực lượng mình chưa địch nổi Canh Thủy Đế liền đến ngay Uyển
Thành (nay là thành phố Nam Dương, Hà Nam) gặp Canh Thủy Đế tạ tội.
Có người hỏi Lưu Tú về trận Côn Dương, ông khôn khéo không nhận công
về mình mà nói đó đều là công lao của tướng sĩ. Ông cũng không dám để
tang anh mà vẫn vui vẻ cười nói bình thường, không để lộ tình cảm xót
thương, oán giận.
Canh Thủy Đế cho rằng Lưu Tú không hận thù mình, lại cảm thấy
không nỡ trị tội, còn phong Lưu Tú làm Phá Lỗ đại tướng quân nhưng cuối
cùng vẫn không trọng dụng. Sau này khi hạ được Trường An về giết được
Vương Mãng, Canh Thủy Đế về Lạc Dương mới giao cho Lưu Tú một ít
binh mã, sai đi chiêu dụ các quận huyện Hà Bắc. Lúc đó, cường hào quí tộc
các nơi có vũ khí, kẻ tự xưng làm tướng, kẻ tự xưng làm vương, còn có kẻ
tự xưng hoàng đế, đua nhau cát cứ. Canh Thủy Đế cử Lưu Tú đi Hà Bắc lại
chính là tạo cơ hội cho Lưu Tú mở rộng thế lực. Ông phá bỏ mọi luật lệ hà