không nghe theo. Đại quân Tào Tháo tiến công Từ Châu, Lưu Bị ít quân,
không chống đỡ nổi, đành bỏ Từ Châu, chạy sang Ký Châu nương nhờ
Viên Thiệu.
ĐẠI CHIẾN QUAN ĐỘ
Lưu Bị chạy đến Nghiệp Thành (trị sở của Ký Châu, nay ở tây nam
Lâm Chương, Hà Bắc) khiến Viên Thiệu thấy được Tào Tháo là một địch
thủ đáng gờm. Vì vậy, ông quyết tâm đánh Hứa đô. Điền Phong, người
trước kia khuyên Viên Thiệu đánh Hứa đô hồi trước, bây giờ lại khuyên
Viên Thiệu không nên. Ông nói: "Hiện nay Hứa đô không còn bị bỏ trống
nữa, sao có thể vội đánh được, Tào Tháo tuy ít quân nhưng lại giỏi dùng
binh, nhiều tài biến hóa, không nên xem thường hắn. Tôi thấy nên tính toán
kỹ lưỡng hơn đã".
Viên Thiệu không nghe, Điền Phong cứ cố can mãi. Viên Thiệu cho
rằng Điền Phong làm rối lòng quân, liền bắt giam lại. Sau đó, sai người
thảo hịch kể tội Tào Tháo, gửi đi các nơi. Năm 200, Viên Thiệu đem 10 vạn
tinh binh, phong Thư Thụ làm giám quân, từ Nghiệp Thành xuất phát tiến
tới Lê Dương (nay ở huyện Tuấn, Hà Nam), phái Nhan Lương làm đại
tướng, đi tiên phong dẫn quân vượt qua Hoàng Hà, tiến đánh Bạch Mã (nay
là huyện Hoạt, Hà Nam). Lúc đó, Tào Tháo đã dẫn quân về tới Quan Độ,
nghe tin Bạch Mã bị vây, chuẩn bị tới cứu. Mưu sĩ Tuân Du khuyên: "Kẻ
địch đông quân, chúng ta ít quân, không nên đọ sức với chúng. Chi bằng
phái một đạo quân làm ra vẻ muốn vượt sông ở Diên Tân (nay ở tây bắc
Diên Tân, Hà Nam) thu hút quân chủ lực Viên Thiệu sang phía tây. Lúc đó
chúng ta sẽ phái đội khinh kỵ tới Bạch Mã đánh thì chúng sẽ trở tay không
kịp".
Tào Tháo nghe theo Tuân Du, dùng kế giương đông kích tây để đánh
lừa Viên Thiệu. Thiệu nghe tin Tào Tháo muốn vượt sông ở Diên Tân, quả
nhiên phái đại quân đến ngăn chặn. Ngờ đâu Tào Tháo đã thân dẫn khinh
kỵ binh đánh tới Bạch Mã. Đại tướng Nhan Lương đang bao vây thành