Trùng Nhĩ đành gượng cười, đi tiếp.
Đoàn của Trùng Nhĩ lưu vong đến nước Tề, lúc đó Tề Hoàn Công còn
sống, tiếp đãi ân cần, tặng Trùng Nhĩ nhiều xe ngựa và nhà cửa, còn đem
một cô gái trong họ gả cho Trùng Nhĩ. Trùng Nhĩ thấy vậy, rất muốn ở lại
nước Tề, nhưng thủ hạ trong đoàn, ai cũng muốn trở về Tấn.
Những người tùy tòng họp riêng với nhau trong bãi dâu, bàn cách trở
về nước Tấn, không ngờ có một nữ nô lệ đang hái dâu nghe lỏm được câu
chuyện về nói lại với vợ Trùng Nhĩ là Khương Thị. Khương Thị bảo Trùng
Nhĩ: "Thiếp nghe nói chàng và mọi người muốn trở về Tấn, điều đó rất
phải".
Trùng Nhĩ vội vàng biện bạch, nói: "Không hề có chuyện đó".
Khương Thị ra sức khuyên Trùng Nhĩ về nước: "Chàng cứ ham vui
sướng ở đây thì không làm nên chuyện gì đâu". Nhưng Trùng Nhĩ vẫn
không muốn về. Tối hôm đó, Khương Thị bàn với tùy tòng, chuốc rượu cho
Trùng Nhĩ thật say rồi vực lên xe, đi khỏi nước Tề. Khi Trùng Nhĩ tỉnh dậy,
thì đã cách nước Tề rất xa.
Sau đó, Trùng Nhĩ lại tới nước Tống. Tống Tương Công đang ốm
nặng, quan lại dưới quyền nói với Trùng Nhĩ: "Chúa công tôi rất kính trọng
công tử, nhưng chúng tôi không có quân đội để đưa ngài về nước".
Hồ Yển nói: "Chúng tôi hiểu rõ điều đó. Chúng tôi sẽ không dám
phiền các ngài nữa".
Rời khỏi nước Tống, đoàn lưu vong lại đến Sở. Sở Thành Vương coi
Trùng Nhĩ như khách quý, dùng nghi thức tiếp đãi các nước chư hầu để tiếp
Trùng Nhĩ. Thành Vương đối đãi tốt và Trùng Nhĩ cũng rất tôn kính trở lại,
hai người liền kết làm bạn bè.