Công tử Mục Di không nén được giận, nói: "Đánh trận là để nhằm
thắng quân địch. Nếu sợ làm hại nó, thì thà rằng không đánh. Nếu không
bắt kẻ già yếu, thì thà để nó bắt mình".
Tống Tương Công vì bị trọng thương, một năm sau thì chết. Trước khi
chết, liền dặn dò thái tử: "Nước Sở là kẻ thù của ta. Con phải báo thù này.
Ta xem nước Tấn (đô thành nay ở đông nam Ký Thành, tỉnh Sơn Tây) có
Công tử Trùng Nhĩ là người có chí khí, tương lai nhất định sẽ làm bá chủ.
Khi con gặp khó khăn, nên tìm tới nước Tấn, nhất định sẽ được giúp đỡ".
CÔNG TỬ LƯU VONG TRÙNG NHĨ
Công tử Trùng Nhĩ là con của Tống Hiến Công. Khi Tấn Hiến Công
về già, sủng ái quý phi là Li Cơ, muốn lập con trai của Li Cơ là Hề Tề làm
thái tử thay cho thái tử Thân Sinh đã bị giết. Thấy thái tử bị giết, 2 người
con khác của Tấn Hiến Công là Trùng Nhĩ và Di Ngô thấy nguy hiểm, liền
tìm cách chạy sang nước khác lánh nạn.
Khi Tấn Hiến Công chết, nước Tấn sinh nội loạn. Sau, Di Ngô trở về
nước giành được ngôi vua, muốn tìm cách diệt trừ Trùng Nhĩ, khiến Trùng
Nhĩ phải long đong trốn tránh khắp nơi. Khi ở nước Tấn, Trùng Nhĩ là một
công tử có tiếng tăm, nên nhiều đại thần tài giỏi tình nguyện theo công tử đi
lưu vong.
Trước hết, Trùng Nhĩ ở nước Địch trong mười hai năm, sau phát hiện
có người hành thích, liền chạy sang nước Vệ. Nước Vệ thấy Trùng Nhĩ
đang bị thất thế, không chịu tiếp đãi. Cả đoàn đi tới Ngũ Lộc (nay ở đông
nam Bộc Dương, tỉnh Hà Nam) thì quá đói, liền cử người đi xin ăn. Nông
dân dịa phương không ai chú ý đến họ, có một người còn đùa cợt, đưa cho
họ một nắm đất bùn. Trùng Nhĩ nổi giận, thủ hạ của ông muốn xúm lại trị
người đó. Nhưng Hồ Yển vội vàng can ngăn, nhận lấy nắm bùn và nói để
an ủi Trùng Nhĩ: "Bùn cũng tức là đất đai, dân chúng cho ta đất đai là một
điềm tốt".