Phạm Chẩn không hề sợ hãi, trả lời: "Điều đó không có gì lạ. Lấy một
thí dụ mọi người như một chùm hoa trên cây. Một cơn gió thổi, hoa bay lả
tả. Có bông bay lọt qua rèm cửa, rơi xuống ghế ngồi; có bông bị thổi qua
hàng rào, rơi xuống hố bùn".
Tiêu Tử Lương mở to mắt ngạc nhiên, chưa hiểu ý của Phạm Chẩn.
Chẩn thong thả nói tiếp: "Bông hoa rơi xuống ghế ngồi, giống như Ngài;
còn bông hoa rơi xuống hố bùn, giống như tôi. Giàu sang, nghèo hèn là như
thế. Làm gì có chuyện nhân quả báo ứng".
Phạm Chẩn từ chỗ Tiêu Tử Lương ra về, cảm thấy tuy đã phản bác
được Tiêu Tử Lương, nhưng vẫn chưa nói được hết lý lẽ chống mê tín của
mình, liền chuyên tâm ngồi viết 1 luận văn, nhan đề là "Thần diệt luận"
(bàn về sự chết của tinh thần). Nội dung khái lược như sau: "Hình thể là
bản chất của tinh thần. Tinh thần chỉ là sự biểu hiện và tác dụng của hình
thể. Có thể ví hình thể và tinh thần với con dao và tính chất sắc bén. Không
có dao thì không thể có tính chất và tác dụng sắc bén. Không có hình thể thì
sao có được tinh thần?". Trong bài luận văn, Phạm Chẩn còn đoán định
rằng, sau khi con người chết đi thì linh hồn không tồn tại. Mọi thuyết về
nhân quả báo ứng, chỉ là trò bịp người.
Bài luận văn được công bố, khắp triều đình từ trên xuống dưới đều sôi
sục. Một số người thân và bạn bè của Tiêu Tử Lương đều cho rằng không
thể để mặc cho Phạm Chẩn nghĩ theo kiểu đó. Tiêu Tử Lương lập tức cho
mời 1 số cao tăng đến để tranh luận với Phạm Chẩn. Nhưng lý luận của
Phạm Chẩn bám chắc vào luận cứ khoa học, các cao tăng không có lý lẽ gì
bẻ gãy được lập luận của ông. Có 1 tín đồ Phật giáo tên là Vương Viêm
châm biếm Phạm Chẩn: "Này Phạm tiên sinh, ngài không tin thần linh. Thế
thì ngài cũng không biết linh hồn của tổ tiên mình ở đâu nữa?".
Phạm Chẩn không chịu kém, lập tức châm biếm lại: "Thật đáng tiếc,
Vương tiên sinh. Ngài đã biết linh hồn của tổ tiên mình ở đâu, thì sao ngài
không sớm đi gặp các vị đó đi!".