Tư Mã Chiêu thấy khó liền nói: "Lão quan xem, còn có thể có biện
pháp nào khác nữa không?".
Trần Thái nói: "Theo lão phu, chỉ có thể xử nặng hơn nữa, chứ không
thể có biện pháp nào nhẹ hơn được". (ý của Trần Thái là cần phải truy cứu
lên tới cấp trên của Giả Sung nữa). Tư Mã Chiêu chột dạ, lặng im không
nói gì. Sau đó, Tư Mã Chiêu dùng danh nghĩa thái hậu, ban 1 đạo chiếu
thư, chụp cho Tào Mao rất nhiều tội trạng, phế làm bình dân và cố tình dìm
vụ án giết vua này đi.
Nhưng mọi người vẫn xôn xao bàn luận, chê trách Tư Mã Chiêu bao
che cho hung thủ. Tư Mã Chiêu bất đắc dĩ, liền dồn toàn bộ tội trạng cho 1
mình Thành Tế, qui vào tội đại nghịch vô đạo, đem chém cả nhà. Giết Tào
Mao xong, Tư Mã Chiêu chọn trong hoàng tộc họ Tào 1 người ít tuổi là
Tào Hoán lên nối ngôi hoàng đế. Đó là Ngụy Nguyên Đế, hoàng đế cuối
cùng của Tào Ngụy.
ĐẶNG NGẢI NGẦM VƯỢT KIẾM CÁC
Tư Mã Chiêu đã trừ được Tào Mao, cho rằng nội bộ đã ổn định, liền
quyết tâm cử đại quân đi đánh Thục Hán. Lúc đó, những người thay thế Gia
Cát Lượng làm thừa tướng là Tưởng Uyển, Phí Vi đều đã mất. Người làm
đại tướng quân của Thục Hán là Khương Duy. Khương Duy nuôi hoài bão
kế thừa sự nghiệp bắc phạt của Gia Cát Lượng nên hầu như năm nào cũng
ra quân đánh Ngụy. Nhưng lực lượng Thục Hán mỗi ngày một yếu,
Khương Duy không thể giành được thắng lợi, mà còn bị hao mòn nhiều
binh lực. Năm 263, Tư Mã Chiêu phái Đặng Ngải và Gia Cát Tự, mỗi
người đem 3 vạn quân. Chung Hội mang mười mấy vạn quân, chia đường
tiến đánh Thục Hán. Khương Duy thấy thế quân Ngụy quá mạnh, khó có
thể chống chọi lại, liền tập trung quân Thục giữ chặt nơi hiểm yếu là Kiếm
Các (nay là huyện Kiếm Các, Tứ Xuyên), không ra giao chiến. Chung Hội
dẫn đại quân tới, không đánh vào được.