TRUYỆN LỊCH SỬ TRUNG QUỐC
5000 NĂM TẬP 2
Lâm Hán Đạt & Tào Duy Chương
www.dtv-ebook.com
Đỗ Phủ Viết Thi Sử
Loạn An Sử kết thúc, đối với dân chúng từng điêu linh khốn khổ vì
chiến loạn, hết sức khát khao cuộc sống bình yên, thì đó là 1 việc hết sức
đáng phấn khởi. Thi nhân Đỗ Phủ lúc đó đang sống cuộc sống lưu vong ở
Tử Châu (nay là Tam Đài, Tứ Xuyên), nghe được tin đó lại càng vui sướng
trào rơi nước mắt. Đỗ Phủ, tên tự là Tử Mỹ, cũng như Lý Bạch, là 1 trong
những đại thi nhân nổi tiếng thời bấy giờ. Văn học sử thường gọi gộp 2 ông
là "Lý Đỗ". Vốn là người huyện Củng, Hà Nam; Đỗ Phủ sinh ra trong 1 gia
đình quan lại suy tàn, từ nhỏ đã khổ công đọc sách và đi khắp núi cao sông
lớn, viết ra nhiều bài thơ nổi tiếng. Năm 39 tuổi, ông gặp Lý Bạch ở Lạc
Dương, Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi. Tuy cá tính 2 người khác nhau,
nhưng chí hướng và lòng yêu thích văn chương đã khiến họ trở thành đôi
bạn thân.
Sau đó, Đỗ Phủ đến Trường An dự kì thi tiến sĩ. Đúng vào lúc ấy, Lý
Lâm Phủ đang nắm triều chính. Hắn rất ghét những người đọc sách, sợ số
trí thức xuất thân tầng lớp dưới này lên làm quan, sẽ góp ý kiến về triều
chính, không lợi cho hắn. Do đó, hắn câu kết với quan chấm thi, đánh trượt
hết người dự thi, rồi nói với Đường Huyền Tông các bài thi khoa này đều
rất kém, không có bài nào trúng cách. Đường Huyền Tông đang lấy làm lạ
thì Lý Lâm Phủ dâng ngay 1 sớ tấu lên, nói rằng việc này chứng tỏ hoàng
đế rất thánh minh, đã tuyển dụng hết người tài trong thiên hạ, trong dân
gian không còn sót lại người hiền tài nào nữa. Những nho sinh thời đó chỉ
có 1 con đường tiến thân là đua tài trong hệ thống khoa cử triều đình, nay
bị đòn đánh bại đó của Lý Lâm Phủ, Đỗ Phủ buồn rầu chán nản đến cực độ.