nếu Chu Xứ trừ được hổ và cá sấu, đã là tốt lắm rồi, nay không ngờ cả "tam
hại" đều đã chết, thật là vượt cả mong muốn, từ nay dân chúng trong vùng
được sống bình yên. Thế là khắp phố phường thôn xóm, đều tưng bừng
phấn khởi, không khí vui mừng như ngày hội.
Ngờ đâu, tới ngày thứ 4, Chu Xứ vẫn lành lặn trở về. Mọi người đều
kinh lạ. Thì ra, con cá sấu bị trọng thương, lại bị Chu Xứ bám riết. Cuối
cùng, máu ra nhiều quá, không còn động cựa được nữa, bị Chu Xứ bồi
thêm nhiều nhát kiếm, kết thúc tính mạng. Về tới nhà, Chu Xứ ngạc nhiên
được biết mọi người đoán rằng mình đã chết, lại tỏ ra vui mừng phấn khởi.
Lúc đó, ông mới tỉnh ngộ, nhận thức rõ rằng sự căm ghét của dân chúng
trong vùng đối với hành vi trước kia của mình là sâu sắc tới mức độ nào.
Quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, Chu Xứ liền rời quê hương, tới Ngô quận tìm
thầy học tập. Lúc đó, ở Ngô quận có 2 danh sĩ nổi tiếng là Lục Cơ và Lục
Vân. Chu Xứ tìm đến thì Lục Cơ đi vắng, chỉ có Lục Vân ở nhà. Chu Xứ
trình bày với Lục Vân về quyết tâm sửa lỗi của mình. Ông nói: "Con vô
cùng hối hận vì đã hiểu ra quá muộn, để trôi qua uổng phí bao nhiêu tháng
năm quí giá. Bây giờ muốn làm được việc gì hữu dụng, chỉ sợ rằng không
kịp nữa".
Lục Vân khuyến khích ông: "Chớ nản lòng. Anh đã có quyết tâm như
thế, lo gì không có tiền đồ tươi sáng. Một con người, miễn là có ý chí vững
vàng, thì nhất định sẽ làm nên sự nghiệp hữu dụng cho đời".
Từ đó, Chu Xứ miệt mài học tập dưới sự dạy bảo ân cần của Lục Cơ,
Lục Vân; vừa trau dồi tri thức, vừa rèn luyện phẩm hạnh. Tinh thần nghiêm
túc, cần mẫn của ông được nhiều người biết tiếng và ca ngợi. Ít lâu sau,
quan chức ở châu, quận gọi ông ra làm quan. Sau khi Đông Ngô bị Tấn tiêu
diệt, ông trở thành 1 đại thần của triều Tấn.