người đó lại có tiếng tăm lớn, địa vị cao trong giới thượng lưu. Điều đó
chứng tỏ phong khí không lành mạnh của xã hội thời đó. Tuy nhiên, trong
số quan chức vẫn có những người tương đối chính trực có những việc làm
đáng khen, Chu Xứ đầu thời Tây Tấn là 1 trong số đó. Khi ông làm thái thú
Quảng Hán (nay là ở bắc Quảng Hán, Tứ Xuyên), vì quan lại địa phương
trước đó rất thối nát, các đơn từ kiện cáo để dồn đống suốt 30 năm không
hề xét xử. Chu Xứ vừa đến nhận chức, liền bắt tay vào xét xử hết những vụ
án tồn đọng đó. Sau, ông được điều về triều làm Ngự sử trung thừa, không
kể là hoàng thân quốc thích, hễ phạm pháp, ông đều thẳng thắn yêu cầu
trừng phạt. Chu Xứ vốn là người ở Nghĩa Hưng (nay là huyện Nghi Hưng,
Giang Tô) thuộc Đông Ngô cũ. Khi còn trẻ, ông có vóc dáng cao lớn và sức
khỏe hơn người. Cha mất sớm từ nhỏ, ông suốt ngày chơi bời lêu lỏng,
không chịu học hành, tính nết lại hung hãn, hơi có chuyện gì là vung nấm
đấm đánh người, thậm chí là dùng tới cả đao kiếm. Dân chúng ở vùng
Nghĩa Hưng đều sợ ông.
Trên Nam Sơn gần Nghĩa Hưng có 1 con mãnh hổ trán trắng, thường
làm hại người và gia súc mà phường săn địa phương chưa làm gì được.
Trong dòng sông, bên dưới Trường Kiều có 1 con cá sấu, hay bất ngờ xuất
hiện, khiến không ai dám bơi lại gần. Dân chúng vùng Nghĩa Hưng gọi gộp
cả Chu Xứ, con hổ trán trắng trên Nam Sơn và con cá sấu dưới Trường
Kiều là "Nghĩa Hưng tam hại". Trong số "tam hại" này, Chu Xứ lại là cái
"hại" làm dân chúng địa phương đau đầu nhất. Có lần, Chu Xứ đang đi
đường, thấy mọi người đều có vẻ buồn bã, liền hỏi 1 ông già: "Cụ ơi, năm
nay mùa màng thu hoạch khá, tại sao ai cũng buồn bã, ủ ê như vậy?".
Cụ già xẵng giọng đáp: "Tam hại còn chưa trừ được, thì vui sướng nỗi
gì!"
Chu Xứ lần đầu tiên nghe thấy từ "tam hại", liền hỏi: "Cụ nói cho cháu
biết "tam hại" là cái gì?".