đột, bộ hạ của Cao Định đã giết chết Ung Khải. Quân Thục tiến tới, cũng
giết được luôn Cao Định. Gia Cát Lượng cử 2 đại tướng Lý Khôi và Mã
Trung chia đường tiến công. Không đầy nửa tháng, Mã Trung đã đánh phá
Tường Pha, tiêu diệt được phiến quân ở đó. Tình hình phản loạn trong 4
quận nhanh chóng được dẹp yên. Nhưng sự việc chưa kết thúc. Tù trưởng
bộ tộc ở Nam Trung là Mạnh Hoạch tiếp nhận tàn binh của Ung Khải, tiếp
tục chống lại quân Thục. Gia Cát Lượng điều tra biết được rằng Mạnh
Hoạch không chỉ giỏi chiến đấu mà còn có uy tín rất cao trong các bộ tộc
vùng Nam Trung. Vì vậy, nhớ tới lời Mã Tốc, Gia Cát Lượng quyết tâm tìm
cách chinh phục Mạnh Hoạch. Ông ra lệnh cho 3 quân, chỉ được bắt sống
chứ không được làm tổn thương tới Mạnh Hoạch.
Do Gia Cát Lượng giỏi dùng mưu kế, mỗi khi giao chiến, quân Thục
chạm trán với quân Mạnh Hoạch, đều cố ý rút lui. Mạnh Hoạch ỷ vào
người đông, thông thạo địa hình nên cứ thúc quân đuổi tràn. Lúc đó, phục
binh Thục mới xông ra, đánh tan quân Nam Trung và bắt sống Mạnh
Hoạch. Mạnh Hoạch bị trói dẫn về trại Thục, tự nghĩ lần này chắc khó lòng
sống được. Nào ngờ vừa vào khỏi cửa dinh, Gia Cát Lượng đã lập tức quát
lính sai cởi trói, mời ngồi, rồi ân cần khuyên nhủ Mạnh Hoạch qui hàng
triều đình. Nhưng Mạnh Hoạch không chịu phục, nói: "Chỉ vì ta thiếu thận
trọng, nên mới trúng kế của ngươi. Vì vậy, làm sao khiến ta phục được?".
Gia Cát Lượng không nài ép, cho Mạnh Hoạch cùng mình cưỡi ngựa
đi xem khắp doanh trại Thục để thấy binh mã và sự bố trí rồi hỏi: "Tù
trưởng, ngươi thấy binh mã triều đình ra sao?".
Mạnh Hoạch ngạo mạn trả lời: "Trước kia ta không nắm rõ được hư
thực của quân Thục nên mới thua trận. Lần này đã tận mắt thấy rõ, đối với
loại quân đội như thế này, ta có thể đánh thắng không khó khăn gì".
Gia Cát Lượng cười lớn nói: "Nếu quả như vậy, tù trưởng hãy về
chuẩn bị cho cẩn thận, rồi chúng ta lại cùng thử sức một lần nữa".