lực phò tá Tấn Hiếu Vũ Đế. Nhờ đó, vương triều Đông Tấn lại có cục diện
ổn định, đoàn kết.
VƯƠNG MÃNH NGHÈO KHÓ, TÀI CAO
Khi Hoàn Ôn tiến hành cuộc bắc phạt lần thứ nhất, đang đóng quân ở
Bá Thượng, thì 1 hôm có 1 người xưng là thư sinh, mặc áo ngắn rách rưới,
xin vào yết kiến. Hoàn Ôn đang chiêu mộ nhân tài, nghe nói người muốn
yết kiến là 1 thư sinh, thì vui vẻ tiếp ngay. Thư sinh đó là Vương Mãnh, gia
đình rất nghèo, phải dựa vào nghề đan sọt để kiếm sống. Nhưng vốn rất
ham đọc sách, nên Vương Mãnh có 1 vốn kiến thức uyên bác. Vì xuất thân
nghèo hèn, ông không được giới sĩ tộc ở Quan Trung kính trọng. Vương
Mãnh chẳng thèm chú ý đến điều đó. Có người thấy ông có chữ nghĩa,
muốn tiến cử ông làm 1 chức quan nhỏ trong vương phủ Tiền Tần, nhưng
ông khảng khái từ chối, và tới ẩn cư ở núi Hoa Âm. Lần này nghe tin Hoàn
Ôn đánh vào Quan Trung, nên ông tìm đến xin yết kiến.
Hoàn Ôn muốn thử xem tài học của Vương Mãnh thế nào, nên cùng
ông đàm luận về đại thế trong thiên hạ. Vương Mãnh liền phân tích 1 cách
hết sức rành rẽ tình hình mọi mặt chính trị, quân sự, kinh tế của cả 2 miền
nam, bắc. Kiến giải của ông sâu sắc, tinh tế khiến Hoàn Ôn vừa nghe vừa
thầm cảm phục. Vương Mãnh vừa đàm luận vừa luồn tay vào trong áo cánh
bắt rận 1 cách tự nhiên. Bộ hạ của Hoàn Ôn thấy thế thì cố nhịn cười.
Nhưng Vương Mãnh vẫn đàm luận hăng hái với Hoàn Ôn và tiếp tục bắt
rận, coi như không có ai đang chú ý nhìn mình. Hoàn Ôn hỏi: "Lần này ta
dẫn đại quân, theo lệnh hoàng đế trừ hại cho dân. Thế mà tại sao ta đã tới
đây, vẫn không thấy hào kiệt địa phương đến gặp? Hôm nay mới có ông
tìm tới".
Vương Mãnh cười nhạt: "Ngài không ngại vượt đường xa ngàn dặm,
vào sâu đất trung tâm của đối phương. Trường An đã ở trước mặt mà ngài
lại không vượt Bá Thủy (sông Bá). Vì thế mọi người không hiểu được dự
tính của ngài ra sao, nên còn chưa muốn tới gặp ngài đó thôi".