Câu nói đó của Vương Mãnh đã đi trúng vào tính toán thầm kín của
Hoàn Ôn. Nguyên do là Hoàn Ôn xin đi bắc phạt, chủ yếu là muốn tạo
dựng uy tín trong triều đình Đông Tấn và chèn lấn các đối thủ chính trị.
Ông đóng quân ở Bá Thượng, không vội đánh Trường An chính là muốn
giữ gìn thực lực của mình để thực hiện các mưu đồ về sau. Bị nêu trúng vào
chỗ đó, Hoàn Ôn không biết trả lời sao cho phải. Nhưng qua đàm luận, ông
ta thấy Vương Mãnh là 1 tài năng hiếm có. Khi từ Quan Trung rút về nam,
Hoàn Ôn nhắc đi nhắc lại lời mời Vương Mãnh cùng đi, và phong cho ông
1 chức quan khá cao. Vương Mãnh biết nội bộ vương triều Đông Tấn có
nhiều lực lượng chống đối nhau nên không nhận lời của Hoàn Ôn và trở về
núi Hoa Âm. Nhưng qua lần gặp gỡ đó, người thư sinh nghèo khổ đầy chấy
rận bỗng nổi tiếng tăm.
Khi hoàng đế Tiền Tần là Phù Kiệt chết, con là Phù Sinh kế nghiệp.
Phù Sinh là kẻ vô cùng tàn bạo, nên chẳng bao lâu bị 1 người anh em họ là
Phù Kiên lật đổ. Phù Kiên là 1 hoàng đế giỏi của vương triều Tiền Tần.
Ngay từ khi chưa lên ngôi, ông đã có ý tìm 1 trợ thủ đắc lực. Có người giới
thiệu Vương Mãnh. Phù Kiên cho mời Vương Mãnh tới. Hai người vừa gặp
nhau, đàm luận về mọi chuyện hưng vong trong lịch sử, kiến giải hoàn toàn
hợp nhau, nên nhanh chóng coi nhau như bạn bè thân thiết. Phù Kiên rất
mừng, cho rằng mình gặp Vương Mãnh giống như Lưu Bị gặp được Gia
Cát Lượng vậy. Phù Kiên lên ngôi, xưng là Đại Tần Thiên Vương; Vương
Mãnh trở thành 1 đại thần tin cậy nhất, trong 1 năm được thăng cấp 5 lần,
nắm quyền lực lớn, vượt hơn các đại thần khác.
Lúc đó, Vương Mãnh mới 36 tuổi, còn quá trẻ, lại là người Hán. Các
lão thần thuộc tộc Để của Tiền Tấn thấy Phù Kiên tin dùng Vương Mãnh
như vậy thì không phục. Một đại thần thuộc tộc Để là Phàn Thế, là người đi
theo Phù Kiên đánh chiếm Quan Trung, trong 1 lần gặp Vương Mãnh, lớn
tiếng mắng: "Chúng ta vất vả cuốc đất cấy trồng để cho ngươi đến ăn bát
cơm trắng à?".