Lần biếm trích này của 2 ông kéo dài tới 10 năm. Lâu dần, 1 số đại
thần trong triều nhớ tới 2 ông, cảm thấy đẩy những người có tài như thế đi
xa thì quá đáng tiếc. Họ liền tâu xin Hiến Tông, điều 2 ông trở lại Trường
An, làm quan lại triều đình. Lưu Vũ Tích trở lại Trường An, thấy Trường
An đã biến đổi khác xưa nhiều. Một số quan chức hiện đang giữ trọng trách
đều là những người mà ông không ưa và không thể hợp tác được, nên tâm
tình rất bực dọc. Trong kinh thành có 1 đạo quán (nơi thờ phụng của Đạo
giáo) nổi tiếng, có tên là Huyền Đô quán, do 1 đạo sĩ trụ trì. Trong đạo
quán trồng rất nhiều cây đào. Lúc đó, đang vào mùa xuân, hoa đào trong
Huyền Đô quán đang nở rộ, hấp dẫn nhiều du khách tới thăm. Một số bạn
bè rủ Lưu Vũ Tích đến Huyền Đô quán ngắm hoa đào. Lưu Vũ Tích thấy
đến đó giải trí cũng tốt, liền nhận lời đi cùng bè bạn.
Qua 10 năm sống trong cảnh bị biếm trích ở phương xa, nay trở lại
kinh thành, thấy những cây đào non ngạo nghễ phô sắc trong Huyền Đô
quán, ông liên tưởng, viết 1 bài thơ ẩn dụ:
"Tử mạch hồng trần phất diện lai
Vô nhân bất đạo khán hoa hồi
Huyền Đô quán lý đào thiên thụ
Tận thi Lưu lang khứ hậu tài".
Dịch:
"Đường đông, bụi táp mặt người
Không ai không nói: đi chơi ngắm đào
Huyền Đô, đào mọc lắm sao!
Đều trồng sau lúc chàng Lưu xa rồi"