huy đánh thắng giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng và giành lại Đại La từ
tay Kiều Công Tiễn ý thức được rõ ràng về yêu cầu bức thiết phải thành lập
một lực lượng quân đội mạnh để gìn giữ độc lập, tự chủ, sẵn sàng chống trả
mọi hành động xâm lược của kẻ thù, bảo vệ nhà nước quân chủ đóng ở Cổ
Loa.
Hoàn toàn không có tài liệu về tổ chức quân đội của Ngô Quyền ở
Cổ Loa, ngoại trừ một số tướng lĩnh dưới trướng của Ngô Quyền chia nhau
cầm quân như đã kể ở trên. Bằng suy luận có thể nghĩ rằng tổ chức vũ trang
của nhà nước vương triều Ngô mới chỉ tập trung ở Cổ Loa, chưa thành lập
được một hệ thống trong cả nước. Ở địa phương, lực lượng võ trang vẫn
nằm trong tay các thổ hào, thủ lĩnh được nhìn nhận như quân bản bộ của họ
ở các công xã, liên công xã đang hướng về quy tụ xung quanh nhà nước
quân chủ ở Cổ Loa. Đây là một hạn chế lớn trong tư tưởng và tổ chức vũ
trang của Ngô Quyền, đồng thời cũng là hạn chế của thời đại - thời đại mà
xu hướng phân tán trên cơ sở công xã nông thôn đang tồn tại phổ biến. Để
khắc phục tình trạng này phải đợi đến Đinh Bộ Lĩnh.
Xét cho cùng Đinh Bộ Lĩnh cũng như Ngô Quyền, cũng mang trong
mình dòng dõi châu mục, thứ sử từng tham gia quá trình giải phóng đất
nước. Đinh Bộ Lĩnh bước vào chiến trường cũng xuất thân từ thủ lĩnh vùng
Hoa Lư, mở rộng dần địa bàn, đi đến thâu tóm toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Điểm khác nhau là Ngô Quyền và nhà nước vương triều Ngô ra đời từ đánh
thắng giặc, trong khi đó Đinh Bộ Lĩnh và vương triều Đinh ra đời từ dẹp
loạn. Hai con đường khác nhau tuy cũng dẫn đến đích giống nhau - độc lập,
tự chủ và thống nhất tập quyền đã để lại nếp suy nghĩ khác nhau trong tư
tưởng và hành động của hai nhà quân sự lớn này.
Quá trình tan rã dẫn đến phân tán của lực lượng vũ trang vương
triều Ngô, tiếp đến sự chia xé đất nước thành từng vùng, hành động nổi
loạn của các sứ quân với đội quân bản bộ của họ là một thực tiễn đau lòng,
tai hại cho đất nước. Chẳng những vương triều bị sụp đổ mà nhân dân lâm
vào vòng loạn lạc, đất nước bị suy yếu, sẵn sàng làm mồi cho ngoại bang.