có vũ khí tốt, đặc biệt là nỏ Liên Châu, nên các cuộc tiến công của quân
Triệu đều bị thất bại. Biết không thể chinh phục được bằng vũ lực, Triệu Đà
thay đổi thủ đoạn, xin giảng hòa với Âu Lạc, xin cầu hôn Công chúa Mỵ
Châu, con gái của An Dương Vương cho con trai mình là Trọng Thủy và
xin cho Trọng Thủy được ở rể tại kinh đô Cổ Loa để dò xét tình hình, chia
rẽ nội bộ và lung lạc tinh thần chiến đấu của triều đình Âu Lạc. Sau khi đã
nắm được những bí mật về quân sự và quốc phòng của Âu Lạc, Triệu Đà
bất ngờ mở cuộc tiến công, đánh chiếm Cổ Loa.
Do chủ quan mất cảnh giác, An Dương Vương đã mắc mưu Triệu
Đà, để đất nước rơi vào tay giặc. Cuộc kháng chiến thất bại đó, để lại bài
học mất nước đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Từ đây, đất nước của các Vua Hùng, vua Thục rơi vào thảm họa hơn
một nghìn năm Bắc thuộc.
2. Nước ta thời Bắc thuộc (từ năm 179 Tr.CN đến đầu thế kỷ X)
Kể từ khi Triệu Đà chiếm được nước Âu Lạc (năm 179 Tr.CN) cho
đến cuộc nổi dậy giành quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ (905), các triều
đại phong kiến phương Bắc, từ nhà Triệu, Hán (Tây Hán và Đông Hán),
Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường, thay nhau thống trị nước
ta. Chính sách đô hộ của mỗi triều đại tuy có biểu hiện khác nhau, nhưng
đều nhằm mục đích biến Âu Lạc thành quận, huyện của Trung Quốc, đồng
hóa dân tộc và bóc lột triệt để nhân dân ta.
Trước hết, chúng xoá bỏ chủ quyền quốc gia, xoá bỏ thể chế Nhà
nước Âu Lạc, thay vào đó là bộ máy cai trị của người Hán, chia đất nước ta
thành châu, quận lệ thuộc, đứng đầu là các quan thứ sử, Thái thú. Càng về
sau, chúng tổ chức bộ máy thống trị ở nước ta càng chặt chẽ hơn, nhất là