Mùa thu năm 1407, nhân dân nhiều huyện ở phủ Diễn Châu (Nghệ An) nổi
dậy phá nhà ngục, giết quan lại, đánh sụp chính quyền mới thiết lập của
địch. Xung quanh các thành lũy trung tâm của địch như Đông Quan (Đông
Đô) và Tây Đô, quân Minh phải thừa nhận có những "ổ quân ác nghịch"
nổi lên, tức những hoạt động của nghĩa quân. Cả miền rừng núi rộng lớn,
các dân tộc thiểu số vẫn làm chủ quê hương của mình và lập thành những
lực lượng vũ trang sẵn sàng đánh giặc. Tháng 9-1407, một đạo quân Minh
do Đô đốc Cao Sĩ Văn chỉ huy đã bị tiến công tiêu diệt ở châu Quảng
Nguyên (Cao Bằng). Tháng 11-1407, theo lời tâu về triều của nội quan
Miêu Thanh thì: Tại các phủ Tân An (Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải
Dương), Kiến Bình (Nam Định), Lạng Giang (Bắc Giang), các châu Đông
Hồ (Quảng Ninh), Thái Nguyên và sông Sinh Quyết (đoạn sông Đáy chảy
qua miền Nam Định) dân Man không phục, họp nhau làm loạn
20
. Trên thực
tế, quân Minh lúc đó mới chiếm được các thành lũy, kiểm soát được các
trục đường giao thông thủy, bộ chủ yếu, còn phần lớn vùng nông thôn và
rừng núi vẫn thuộc phạm vi hoạt động của các lực lượng yêu nước.
Cuối năm 1407, từ phong trào đấu tranh của quần chúng bắt đầu
xuất hiện những cuộc khởi nghĩa có tổ chức và có quy mô lớn. Đó là cuộc
khởi nghĩa Phạm Chấn và Trần Nguyệt Hồ ở Đông Triều (Quảng Ninh),
Phạm Tất Đại ở Lục Na (Bắc Giang) và lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Trần
Ngỗi.
Những người yêu nước ở Yên Mô (Ninh Bình) đón và lập Trần
Ngỗi (con thứ của Vua Trần Nghệ Tông) lên làm vua, gọi là Giản Định Đế,
cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Lúc này, tinh thần dân tộc được khơi lên mạnh
mẽ. Cuộc khởi nghĩa mang tư tưởng khôi phục lại ngôi vua Trần, nên đã
thu hút được khá đông đảo quý tộc Trần, trong đó có cả Đặng Tất và
Nguyễn Cảnh Chân.
Đến giữa năm 1408, nghĩa quân giải phóng được một khu vực rộng
lớn từ Thanh Hóa vào đến Hóa Châu (Thừa Thiên). Từ đó, nghĩa quân mở
nhiều cuộc tiến công vào những căn cứ quân sự quan trọng của địch ở phía