Bắc như đồn Bình Than, cửa Hàm Tử, chặn đường qua lại của quân Minh ở
Tam Giang và uy hiếp cả vùng ngoại vi Đông Quan.
Trước tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm kháng chiến của nhân
dân ta, quân xâm lược gặp nhiều khó khăn. Triều đình nhà Minh phải cử
Mộc Thạnh làm Chinh Di tướng quân, điều thêm 5 vạn quân tăng viện.
Cuối năm 1408, Mộc Thạnh tập trung một binh lực lớn tiến công nghĩa
quân ở bến Bô Cô (ở sông Đáy, Ý Yên, Ninh Bình). Nhưng ở đây, nghĩa
quân đã bố trí một thế trận mai phục lợi hại, đánh bại quân Minh, tiêu diệt
hàng vạn quân địch. Mộc Thạnh và tàn quân thoát chết chạy về thành Cổ
Lộng.
Chiến thắng Bô Cô cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đánh giặc cứu nước
của quân dân ta và tạo ra một thời cơ thuận lợi để tiến lên tiêu diệt giặc
Minh. Tuy nhiên, sau chiến thắng đó, trong bộ chỉ huy khởi nghĩa bị chia rẽ
nghiêm trọng. Trần Ngỗi nghe lời gièm pha, đã ám hại Đặng Tất và
Nguyễn Cảnh Chân là hai tướng chủ chốt của nghĩa quân. Do vậy, lòng
quân ly tán. Đặng Dung, con Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị, con Nguyễn
Cảnh Chân liền đem một bộ phận nghĩa quân vào Nghệ An, suy tôn Trần
Quý Khoáng (cháu nội Vua Trần Nghệ Tông) làm vua, tức Trùng Quang
Đế, lập nên một cuộc khởi nghĩa khác (4-1409).
Cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng ra đời do sự phân liệt, chia rẽ
trong nội bộ cuộc khởi nghĩa Trần Ngỗi. Tình trạng đó kéo dài đã gây nguy
hại lớn cho phong trào do quý tộc họ Trần lãnh đạo và sự nghiệp cứu nước
nói chung. Những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng thấy
rõ điều ấy và tìm cách hợp nhất hai lực lượng nghĩa quân lại dưới ngọn cờ
Trần Quý Khoáng.
Sau một thời gian củng cố lực lượng, nghĩa quân Trần Quý Khoáng
đã kiểm soát được khu vực từ Thanh Hóa trở vào. Dưới sự chỉ huy của
Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy, nghĩa quân nhiều lần tiến ra
hoạt động ở vùng lưu vực sông Đáy, sông Nhị Hà, sông Thái Bình, đánh
chiếm Hàm Tử, Bình Than, gây cho quân Minh nhiều tổn thất.