cướp" ở đây, chính là những cuộc nổi dậy của nhân dân ta, chống lại nền đô
hộ của nhà Minh, nhưng bị tác giả ghi chép xuyên tạc theo lập trường của
kẻ đi xâm lược và nô dịch.
Quân Minh quanh năm vất vả đánh dẹp. Chúng hao binh, tổn tướng
mà không thể nào dập tắt được phong trào yêu nước của nhân dân ta. Chỗ
này bị đàn áp thì chỗ khác lại nổi dậy, cuộc khởi nghĩa này bị thất bại thì
cuộc khởi nghĩa khác lại nổi lên với tinh thần tiến công mạnh mẽ. Từ cuối
năm 1408 đến năm 1411, chỉ trong khoảng ba năm mà triều đình nhà Minh
đã phải ba lần đưa thêm viện binh sang cứu nguy cho đạo quân chiếm đóng
ở nước ta. Cả ba lần đều do các tướng Trương Phụ và Mộc Thành chỉ huy.
Đó là hai viên tướng lão luyện và hung hãn nhất của nhà Minh đã từng
nhiều lần chinh chiến ở Đại Việt Đại Ngu.
Đến cuối năm 1413, đầu năm 1414, nhiều phong trào kháng chiến
và những cuộc khởi nghĩa lớn mới bị quân Minh dập tắt. Phong trào cứu
nước của nhân dân ta tạm lắng xuống một thời gian. Bọn quan lại đô hộ nhà
Minh từng bước xây dựng bộ máy cai trị trên đất Đại Việt Đại Ngu.
Như vậy, giặc Minh đánh bại cuộc kháng chiến của nhà Hồ chỉ
trong hơn 6 tháng (11-1406 - 6-1407), nhưng phải mất 7 năm (1407 -
1414), chúng mới bình định nổi phong trào kháng chiến tự phát của nhân
dân ta. Điều này nói lên tinh thần quật khởi, tư tưởng, ý chí quyết tâm
kháng chiến của nhân dân ta, càng chứng tỏ rằng nhà Hồ thất bại nhanh
chóng chủ yếu là không thực hiện được tư tưởng quân sự truyền thống dựa
vào nhân dân để đánh giặc, cứu nước.
Tuy phong trào vũ trang của quần chúng phát triển mạnh mẽ, rộng
khắp khiến quân Minh phải hao binh, tổn tướng, nhưng kết cục vẫn bị đàn
áp. Có nhiều hạn chế của phong trào này, trong đó chủ yếu đều mang tính
tự phát, thiếu tổ chức và lãnh đạo thống nhất. Tư tưởng chỉ đạo trong các
cuộc khởi nghĩa lớn còn nhiều hạn chế, chưa đủ uy tín để tập hợp được
đông đảo lực lượng.