Trên thực tế, phong trào lúc bấy giờ bao gồm nhiều cuộc kháng
chiến, nhiều cuộc khởi nghĩa trong phạm vi từng địa phương. Những cuộc
đấu tranh ấy không đi đến chỗ liên kết trên quy mô cả nước thành một cuộc
chiến tranh yêu nước rộng lớn, vừa có tính nhân dân, vừa có tổ chức lãnh
đạo thống nhất nên đã bị địch đàn áp. Hai cuộc khởi nghĩa lớn nhất giai
đoạn này là khởi nghĩa Trần Ngỗi (1407 - 1409) và khởi nghĩa Trần Quý
Khoáng (1409 - 1413). Dưới sự lãnh đạo chỉ huy của những quý tộc tông
thất nhà Trần, ngoài mục đích chống xâm lược, giành độc lập dân tộc, các
phong trào đó còn nhằm khôi phục vương triều Trần. Tuy nhiên, trong hoàn
cảnh lúc bấy giờ, tư tưởng khôi phục vương triều Trần đã không còn phù
hợp, không đáp ứng được yêu cầu của quảng đại nhân dân ta tuy những
cuộc khởi nghĩa đó đã lôi kéo được một bộ phận quý tộc nhà Trần còn tồn
tại dưới triều Hồ và phát triển trên một địa bàn khá rộng lớn. Những phong
trào nói trên, nói cách khác là cái ý thức trỗi dậy ấy, vừa mang cái tất nhiên
vừa mang cái ngẫu nhiên của thời cuộc "tất nhiên" bởi có áp bức là có đấu
tranh, có xâm lược là có chống xâm lược, đó là sự xuất hiện và phát triển
tất nhiên trong xu thế lịch sử dân tộc Việt Nam, của ý thức dân tộc Việt
Nam trước họa xâm lăng. Người Việt Nam dù thời nào cũng không thể ngồi
yên để kẻ thù giày xéo quê hương, đất nước mình, họ đứng lên và hưởng
ứng tất cả những ngọn cờ chống xâm lược. Và "ngẫu nhiên" thể hiện ở xu
thế thời đại. Lúc bấy giờ. khẩu hiệu "phù Trần diệt Hồ" không còn phù hợp
nữa. Nhà Trần xuất hiện trong lịch sử và để lại một sự nghiệp lớn lao với
bao thành tựu trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, từ cuối
thế kỷ XIV, vương triều Trần đã suy yếu, không còn giữ vai trò lịch sử nữa,
và tư tưởng "phù Trần" không còn là tư tưởng chỉ đạo nữa. Cuộc khởi
nghĩa của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng cho thấy tinh thần yêu nước của
một bộ phận quý tộc Trần, nhưng cũng chứng tỏ sự bất lực của họ trong
yêu cầu tập hợp lực lượng kháng chiến của nhân dân ta lúc đó. Mặt khác,
trong nội bộ lãnh đạo còn nảy sinh mâu thuẫn đưa đến sự giết hại lẫn nhau,
càng làm cho lực lượng suy yếu hơn.