nhưng Lê Lợi luôn luôn chủ động tìm cách tiến công lại địch bằng lối đánh
linh hoạt để đánh bại các cuộc càn quét của giặc. Khi đã có điều kiện, khi
lực lượng phát triển, Lê Lợi đã kịp thời phát hiện thời cơ, mở các cuộc
phản công, tiến công. Sau cuộc tiến công chiến lược vào Nghệ An thắng
lợi, ông liên tiếp tiến công địch, giải phóng Diễn Châu, Thanh Hóa, Tân
Bình và Thuận Hóa. Sau đó, biết địch tập trung quân đối phó ở Nghệ An
nên phía Bắc sơ hở, Lê Lợi đã chớp cơ hội tiến quân ra Bắc giải phóng các
lộ phủ và bao vây Đông Quan. Với tư cách là lãnh tụ tối cao của nghĩa
quân, Lê Lợi luôn chú trọng phát huy tài năng của các tướng lĩnh; đồng thời
với con mắt tinh tường, ông đã có những quyết đoán chính xác vào những
thời điểm quan trọng, nên những cuộc tiến công lớn của nghĩa quân Lam
Sơn thường tạo nên sự chuyển biến cục diện chiến trường, tiến lên giành
thắng lợi cho chiến tranh.
- Tư tưởng chỉ đạo chiến thuật:
Về phương diện chiến thuật, căn cứ vào tư tưởng chiến lược và tùy
theo tương quan lực lượng trong từng giai đoạn nhất định cùng với hoàn
cảnh cụ thể của từng nơi, từng lúc, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các tướng lĩnh
Lam Sơn đã vận dụng chiến thuật một cách linh hoạt, tài giỏi.
Trong điều kiện tương quan lực lượng lúc đó, Lê Lợi và Nguyễn
Trãi chủ trương: "Yếu chống mạnh thường đánh bất ngờ, ít địch nhiều
thường dùng mai phục" (Bình Ngô đại cáo). Văn bia Vĩnh Lăng ghi: "Năm
Mậu Tuất (1418 -TG) dấy hưng nghĩa binh, đóng trên sông Lạc Thủy, trước
sau hơn hai mươi trận, đều đặt mai phục, dùng kỵ binh, tránh mũi nhọn,
thừa chỗ hư, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh"
43
.
Tập kích, phục kích, đánh mai phục, dùng kỵ binh là tư tưởng chỉ
đạo chiến thuật của nghĩa quân Lam Sơn và đó cũng là cách đánh sở trường
nhất của nghĩa quân, được sử dụng trong suốt quá trình khởi nghĩa. Lối
đánh đặt mai phục, dùng kỵ binh, nhằm chỗ sơ hở của địch mà đánh, luôn
tạo thời cơ đánh bất ngờ là tư tưởng chiến thuật thích hợp để lấy yếu chống
mạnh, lấy ít địch nhiều.