hào kiệt ở nhiều nơi nổi dậy hưởng ứng. Chính bằng sức mạnh nổi dậy của
đông đảo các tầng lớp nhân dân trên hầu khắp các châu huyện đất nước,
nghĩa quân không những nhanh chóng quét sạch bọn quan lại đô hộ nhà
Lương về nước mà còn nhanh chóng đánh bại các cuộc phản kích của
chúng.
Kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh đã nói lên rất rõ rằng, ở nước
ta, các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống xâm lược, chống đô hộ muốn
giành được thắng lợi phải nhất thiết do nhân dân tiến hành và các cuộc đấu
tranh đó bao giờ cũng có khả năng động viên, tập hợp được đông đảo quần
chúng nhân dân tham gia. Điều đó khiến cho các cuộc khởi nghĩa, chiến
tranh yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta luôn có tính
nhân dân sâu sắc và đó cũng là một nội dung có tính quy luật của mọi cuộc
chiến tranh yêu nước ở Việt Nam.
c) Về phương thức đấu tranh
Các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của nhân dân ta diễn ra trong
tình thế quân xâm lược đã áp đặt được ách thống trị, đã dàn quân chiếm
đóng trên cả nước ta, do đó, chúng không từ bỏ bất cứ một thủ đoạn tàn bạo
nào để đàn áp, khủng bố. Mặt khác, dân tộc ta tiến hành khởi nghĩa trong
điều kiện khi khởi sự thường chỉ có một lực lượng quân sự (nghĩa quân)
mới được tổ chức đến một mức độ nhất định, phần lớn vũ khí còn ít ỏi và
thô sơ, nên quân khởi nghĩa phải vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển
lực lượng, đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh.
Xuất phát từ điều kiện cụ thể của nước ta lúc đó, tổ tiên ta đã vận
dụng phương thức đấu tranh thích hợp để giành chiến thắng. Đó là phương
thức kết hợp tác chiến của nghĩa quân với nổi dậy của dân chúng để tiêu
diệt địch, đập tan ách thống trị của chúng, giành lại chủ quyền trên toàn bộ
đất nước. Phương thức đấu tranh đó vừa khai thác, phát huy được sức mạnh
của mọi tầng lớp nhân dân, cả già trẻ, gái, trai, thực hiện cả nước đánh giặc,