Sự thống trị tàn bạo của bọn phong kiến phương Bắc khiến người
Việt hơn bao giờ hết, thấy rất rõ rằng mất nước là mất tất cả. Họ không chịu
khuất phục, quyết vùng dậy đấu tranh để giành lại độc lập, tự do. Bất chấp
kẻ thù có một bộ máy chính quyền đô hộ và một lực lượng quân sự chiếm
đóng trên cả nước ta, các thế hệ người Việt liên tục đứng lên đấu tranh,
đánh đuổi quân cướp nước.
Từ trong những thế kỷ căm hờn và đấu tranh đó, nhân dân ta càng
ngày càng thấy rằng, chỉ có nổi dậy mãnh liệt và đấu tranh kiên quyết mới
giành lại được quyền sống, giành lại được độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh
đó phải có sự tham gia của quảng đại quần chúng nhân dân, của mọi tầng
lớp xã hội mới có đủ sức mạnh tiêu diệt lực lượng quân sự địch và đập tan
bộ máy đô hộ của chúng. Cho nên, trong phong trào đấu tranh chống Bắc
thuộc, người Việt bị áp bức ở nước ta luôn biết tạo lập nên sức mạnh đấu
tranh của mình bằng cách động viên, tập hợp lực lượng nhân dân cả nước
tham gia đánh giặc, cứu nước.
Cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo nổ ra vào mùa xuân
năm 40 sau Công nguyên là điển hình đầu tiên về một cuộc khởi nghĩa toàn
dân chống xâm lược. Khi cờ nghĩa dấy lên ở đất Hát Môn, lập tức các lực
lượng yêu nước ở khắp các miền của Tổ quốc - từ miền xuôi đến miền
ngược - đều hưởng ứng kéo về, chung sức đánh giặc. Tham gia nghĩa quân
không chỉ có những chàng trai khỏe mạnh, yêu nước mà còn có rất nhiều
thủ lĩnh địa phương như ông Đống, ông Nà, ông Cai, Đỗ Năng Tế, Hoàng
Đạo, Đông Bảng, Đô Chinh, Đô Dương, Chu Bá, v.v... Đặc biệt là trong
hàng ngũ nghĩa quân có đông đảo các nữ tướng tài năng, dũng cảm như Lê
Chân, Thánh Thiên, Thiều Hoa, Xuân Nương, Liễu Giáp, Việt Huy, Bát
Nàn, Đào Kỳ, Lê Thị Hoa, Ả Di, Ả Lã, Nàng Đê... Đó là những con người
đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng nhanh chóng vượt qua tư tưởng
địa phương, vùng miền để đứng dưới cờ của hai vị nữ anh hùng kiệt xuất,
sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự chủ.