Phố ở mặt Bắc. Chỉ trong hơn một tháng nhân dân ta đã giành lại quyền
làm chủ trên cả 65 huyện, thành, tức là toàn bộ đất nước ta thời đó.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giành được thắng lợi nhanh chóng là
nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa tiến công quân sự của quân khởi nghĩa
với nổi dậy đồng loạt của dân chúng vũ trang ở khắp các địa phương trong
cả nước. Từ đây trở đi, sự kết hợp giữa tác chiến của nghĩa quân với nổi
dậy của nhân dân trở thành phương thức đấu tranh cơ bản để dân tộc ta lật
đổ ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc.
Đến thế kỷ VI, phương thức đấu tranh đó được vận dụng một cách
sáng tạo và đã giành được thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa chống Lương do
Lý Bí lãnh đạo. Lý Bí cũng tổ chức được một lực lượng khởi nghĩa làm
nòng cốt, đồng thời ông liên kết với các hào trưởng, thủ lĩnh ở nhiều châu,
huyện nước ta để tổ chức, phát động nhân dân các địa phương cùng nổi dậy
đấu tranh lật đổ ách đô hộ của giặc Lương. Dưới những đòn tiến công quân
sự mãnh liệt của quân khởi nghĩa cùng với sự nổi dậy rộng khắp của dân
chứng trên hầu khắp các châu, huyện nước ta thời đó, ách thống trị của địch
trong thời gian chưa đầy ba tháng đã bị đập tan. Một lần nữa, sự kết hợp tác
chiến của nghĩa quân với nổi dậy của nhân dân đã làm nên chiến thắng, mở
đường cho sự thành lập Nhà nước Vạn Xuân độc lập.
Thực tế của khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đầu Công nguyên và khởi
nghĩa Lý Bí ở thế kỷ VI - hai cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc có quy mô
rộng lớn và đều giành được thắng lợi - cho thấy, dân tộc ta từ rất sớm đã
xác định được phương thức đấu tranh thích hợp để chống lại ách thống trị
của ngoại bang. Trong cả hai cuộc khởi nghĩa đó, đều có sự phối hợp chặt
chẽ giữa những đòn tiến công quân sự dồn dập, mãnh liệt, những trận đánh
lớn của nghĩa quân nhằm vào thủ phủ địch, vào các đạo quân chủ lực địch
với những cuộc nổi dậy đồng loạt, rầm rộ của nhân dân, buộc quân địch
phải bị động, phân tán lực lượng đối phó ở khắp mọi nơi, nên ta nhanh
chóng giành thắng lợi.