bó với nhau bằng nhiều sợi dây tình nghĩa gia đình, dòng họ, quê hương,
đất nước, nòi giống cộng với lòng căm thù giặc, tinh thần đấu tranh kiên
cường, bất khuất, để xây dựng và phát triển lực lượng. Do đó, các cuộc
khởi nghĩa, chiến tranh giải phóng có quy mô lớn lúc bấy giờ, đều lập được
căn cứ chiến đấu vững chắc, như khởi nghĩa Mai Thúc Loan có căn cứ Sa
Nam (Nghi Xuân, Nghệ An), khởi nghĩa Phùng Hưng có căn cứ ở vùng
Đường Lâm (Sơn Tây) hay khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ có căn cứ ở Hồng
Châu (Ninh Giang, Hải Dương)...
Trong quá trình khởi nghĩa, nhân dân yêu nước đứng lên, dùng mọi
thứ vũ khí có trong tay, từ cuốc, cào, dao, gậy, đến cung, gươm, kiếm, giáo
cùng nghĩa quân tiến công đập tan cơ cấu thống trị địch ở cơ sở, giành
quyền làm chủ ở địa phương, chống lại những cuộc đàn áp của kẻ thù để
giữ vững và phát triển cuộc đấu tranh. Sử sách và truyền thuyết đã kể về sự
hy sinh của Lý Tự Tiên trong cuộc chiến đấu chống sự đàn áp của viên Đô
hộ Lưu Diên Hựu, cũng như nghĩa quân của Phùng Hưng đã nhiều lần đánh
bại cuộc đàn áp của viên Đô hộ Cao Chính Bình, bảo vệ căn cứ Đường
Lâm...
Phương thức kết hợp tác chiến với nổi dậy của nghĩa quân và nhân
dân có quy mô chặt chẽ hơn khi khởi nghĩa phát triển từ địa phương mở
rộng ra toàn quốc, nhất là trong những cuộc tiến công vào Tống Bình,
chiếm giữ phủ thành, đánh đuổi hoặc bắt giết các quan đô hộ, rồi chiến đấu
chống lại các đạo viện binh giặc, như năm 687 nhà Đường cử đạo viện binh
do Tư mã Quế Châu là Tào Huyền Tỉnh chỉ huy, sang đàn áp khởi nghĩa
của Lý Tự Tiên, Đinh Kiến; hoặc năm 722 lại sai tướng Dương Tư Húc
đem 10 vạn quân sang đàn áp khởi nghĩa Mai Thúc Loan... Phương thức
đấu tranh đó có hiệu lực rất lớn, khiến cho kẻ địch luôn bị động, phải phân
tán lực lượng đối phó ở khắp nơi, do đó, càng tạo điều kiện thuận lợi cho
nhân dân ta giành chiến thắng.