Đặc biệt là, trong giai đoạn này, bên cạnh phương thức kết hợp tác
chiến với nổi dậy của quân và dân, nhân dân ta còn sáng tạo một phương
thức đấu tranh mới - phương thức địch vận. Dựa vào sức mạnh của chính
nghĩa, sức mạnh chiến đấu của quân và dân ta, công tác địch vận đã đạt
được những kết quả rất to lớn, góp phần khoét sâu mâu thuẫn nội bộ địch
và từng bước làm tan rã tinh thần là tổ chức lực lượng của chúng. Do đó,
dưới thời thuộc Đường, nhất là từ đầu thế kỷ IX, xuất hiện nhiều cuộc binh
biến của các võ quan, tướng lĩnh và binh sĩ người Việt trong quân đội đô hộ
nhà Đường, tiêu biểu như cuộc nổi dậy của binh lính dưới sự lãnh đạo của
Vương Quý Nguyên (năm 803); hoặc vào những năm 819-820 do Dương
Thanh lãnh đạo... Từ đây, phương thức kết hợp tác chiến và nổi dậy của
nghĩa quân và nhân dân với địch vận trở thành một phương thức đấu tranh
quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của dân tộc ta, không những trong các
cuộc khởi nghĩa mà cả trong các cuộc chiến tranh yêu nước sau này.
Những điểm nổi bật của phong trào đấu tranh chống ách đô hộ Tùy
- Đường nêu trên, thể hiện sự kế thừa, phát triển những quan niệm, quan
điểm về quân sự mà tổ tiên ta ở giai đoạn trước đó tích lũy, đúc kết, đồng
thời tạo tiền đề cho sự phát triển tư tưởng quân sự của dân tộc trong giai
đoạn lịch sử mới, từ sau khi Khúc Thừa Dụ giành được quyền tự chủ cho
đất nước.
3. Tư tưởng quân sự trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự chủ đầu thế kỷ X
Kể từ năm 905, với cuộc nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Khúc Thừa
Dụ thắng lợi, nhân dân ta đã phá bỏ được ách đô hộ của nhà Đường, giành
lại quyền tự chủ. Nhưng các thế lực xâm lược từ phương Bắc vẫn tìm cách
chiếm lại nước ta, âm mưu áp đặt lại ách thống trị của chúng trên đất nước
ta.