Trong thời gian chưa đầy 10 năm, từ năm 930 đến năm 938, nhà
Nam Hán liên tiếp hai lần đem quân sang xâm lược nước ta, vào các năm
930 và 938.
Ở lần xâm lược thứ nhất (930), mục tiêu của quân Nam Hán còn
nặng về cướp bóc hơn là đô hộ. Do vậy, sau khi đánh chiếm các vùng trọng
yếu của nước ta, quân Nam Hán co lại chỉ giữ Đại La (Hà Nội), kiểm soát
một số vùng xung quanh và chỉ cử Lý Tiến sang làm Thứ sử Giao Châu
cùng với Lương Khắc Trinh (Đại Việt sử ký toàn thư chép là Lý Khắc
Chính) giữ thành Đại La.
Ở lần xâm lược thứ hai (938), nhà Nam Hán thể hiện rất rõ ý đồ
chiếm đất và đô hộ. Vì thế, chúng đã huy động một lực lượng lớn, có quy
mô và tổ chức chặt chẽ hơn, do đích thân vua Nam Hán cùng con trai trực
tiếp chỉ huy. Đội quân xâm lược này được chia làm hai đạo: Đạo quân tiên
phong gồm một đội binh thuyền mạnh được giao cho Vạn Vương Hoằng
Tháo, con trai vua Nam Hán chỉ huy, vượt biển đi trước. Đạo quân tiếp theo
do vua Nam Hán tự làm tướng chỉ huy, đi sau áp sát làm kế thanh viện và
yểm trợ cho Hoằng Tháo. Đặc biệt vua Nam Hán còn đổi phong con Vạn
Vương làm Giao Vương với ý định để Hoằng Tháo cầm đầu bộ máy cai trị
Giao Châu, thể hiện quyết tâm đặt lại ách đô hộ của phong kiến phương
Bắc lên đất nước ta.
Đến đây, với cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán
(năm 938) do Ngô Quyền lãnh đạo, cuộc đấu tranh quân sự của dân tộc ta
có sự biến đổi về yêu cầu, nhiệm vụ, nó không phải nhằm đánh đuổi quân
địch đang chiếm đóng trên đất nước ta, mà nhằm đánh bại quân địch từ
nước chúng kéo sang xâm lược. Do đó, cùng với các biến đổi về yêu cầu,
nhiệm vụ của cuộc kháng chiến, tư tưởng quân sự của dân tộc ta ở giai
đoạn này cũng có sự biến đổi nhằm đáp ứng những đòi hỏi do thực tiễn
cuộc đấu tranh đặt ra. Sự biến đổi ấy thể hiện trên một số nội dung chủ yếu
như sau: