hai lần chống Tống; thế kỷ XIII, ba lần kháng chiến chống Mông - Nguyên;
đầu thế kỷ XV, tiến hành cuộc kháng chiến chống Minh dưới triều Hồ và
các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm, tiêu biểu nhất là khởi nghĩa Lam
Sơn - cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh
đạo. Do nhu cầu đánh giặc giữ nước, trong thời kỳ này, nhiều quan điểm, tư
tưởng quân sự tiến bộ, nhiều kế sách hay giữ nước xuất hiện. Ý thức độc
lập, chủ quyền và thống nhất quốc gia được thể hiện đậm nét ngay từ thế kỷ
X. Tư tưởng xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách "ngụ binh ư
nông" (gửi binh trong nông), gắn việc binh với việc nông đã xuất hiện từ
thời Lý. Quốc sách "ngụ binh ư nông" của Nhà nước Đại Việt thời Lý -
Trần đã được vận dụng thành công, tạo nên một lực lượng vũ trang hợp lý,
rộng khắp. Nhiều quan điểm, tư tưởng quân sự tiến bộ xuất hiện trong giai
đoạn Lý - Trần, trong khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó nổi bật là tư tưởng
"thân dân", "khoan thư sức dân", dựa vào dân để xây dựng lực lượng "toàn
dân vi binh", "bách tính giai binh" và tiến hành chiến tranh chống ngoại
xâm, thực hiện "cử quốc nghênh địch" (cả nước đánh giặc). Lý luận và tư
tưởng quân sự "dĩ đoản chế trường", lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy
yếu chống mạnh đã xuất hiện và được vận dụng thành công trong các cuộc
chiến tranh bảo vệ và giải phóng Tổ quốc. Tư tưởng chủ động, khéo léo,
mềm dẻo trong quan hệ đối ngoại quân sự đã phát huy tác dụng trong quá
trình điều hành chiến tranh, nhất là vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến, với
mục đích giữ vững hòa hiếu, duy trì hòa bình, xây dựng đất nước...
Qua các cuộc khởi nghĩa giành nền độc lập, tự chủ, qua các cuộc
chiến tranh giữ nước và giải phóng dân tộc, ông cha ta đã tích lũy nhiều
kinh nghiệm và từng bước đúc kết, xây dựng nên một hệ thống quan điểm,
tư tưởng quân sự riêng về xây dựng quân sự - quốc phòng và chiến đấu
chống ngoại xâm. Những kế sách giữ nước sáng tạo, phù hợp với hoàn
cảnh một đất nước không rộng, dân không nhiều và quân đội thường trực
không đông mà phải thường xuyên chống lại những kẻ thù xâm lược lớn
mạnh hơn gấp nhiều lần.