thực hiện, hầu như các khâu đều phải tiến hành từ đầu, cả về tư liệu lý luận
và phương pháp nghiên cứu. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu, biên soạn đã
cố gắng khai thác, tận dụng tối đa các nguồn sử liệu, kể cả sự liệu vật thể
và phi vật thể; cố gắng gạn lọc từ những truyền thuyết dân gian, những tài
liệu thư tịch hiếm hoi, những công trình nghiên cứu xưa nay có liên quan
để nghiên cứu, khái quát, rút ra những nội dung tư duy, quan điểm, tư
tưởng quân sự của ông cha thuở trước. Chúng tôi cũng dựa vào những tư
liệu tản mạn trong sử sách xưa, tài liệu Hán Nôm có liên quan và thông qua
diễn biến lịch sử, nhất là lịch sử khởi nghĩa và chiến tranh từ đầu thế kỷ XV
về trước để tìm hiểu những quan điểm, luận điểm tư tưởng trong từng thời
điểm, từng giai đoạn lịch sử hoặc từng nhân vật tiêu biểu, từng triều đại
phong kiến từ thế kỷ X - XV.
Căn cứ vào khả năng sử liệu và từ nội dung tư tưởng quân sự, chúng
tôi bố cục thành bốn chương như sau:
- Chương I: Sự hình thành và phát triển tư tưởng quân sự Việt Nam
thời kỳ đầu giữ nước và chống Bắc thuộc (từ thể kỷ III Tr.CN đến đầu thế
kỷ X).
- Chương II: Tư tưởng quân sự thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý (từ thế
kỷ X đến đầu thế kỷ XIII) .
- Chương III: Tư tưởng quân sự thời Trần (thế kỷ XIII XIV).
- Chương IV: Tư tưởng quân sự trong chiến tranh chống Minh (đầu
thế kỷ XV).
Với công trình này, chúng tôi hy vọng nêu lên một phác thảo ban
đầu những nội dung về lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam từ thế kỷ III
Tr.CN đến đầu thế kỷ XV (1427), mong góp thêm ý kiến và tư liệu để
chúng ta tiếp tục nghiên cứu vấn đề được sâu sắc và toàn diện hơn.