Đã hơn một nghìn năm kẻ thù đô hộ bằng nhiều hình thức từ áp đặt
bằng bạo lực, đến thâm nhập từ từ bằng văn hóa hy vọng có thể thôn tính,
đồng hóa được đất nước và cư dân của người Việt. Tên nước Văn Lang, Âu
Lạc bị xóa bỏ, thay vào đó là các quận huyện thuộc bộ Giao Chỉ thời Hán,
Giao Châu đô đốc phủ rồi An Nam đô hộ phủ thời Đường. Tuy nhiên, hơn
một nghìn năm đô hộ, kẻ thù không khuất phục được cộng đồng cư dân
Việt biết cầm vũ khí. Cuối cùng, chúng bị quét sạch, đất nước của người
Việt được phục hưng với tên gọi Đại Cồ Việt (thời Đinh) rồi Đại Việt (thời
Lý).
Sau khi khôi phục được nền độc lập, tự chủ, quốc gia Đại Cồ Việt -
Đại Việt phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức buộc các nhà nước
quân chủ phải đối phó.
Đó là nạn ngoại xâm, tình trạng cát cứ, là nghèo nàn, cạn kiệt về
kinh tế, trì trệ về văn hóa mà nhà nước quân chủ và nhân dân ta phải khắc
phục từng bước để tạo nên một xã hội phồn thịnh, yên bình làm cơ sở cho
nền quân sự quốc phòng. Đó cũng chính là cơ sở cho tư tưởng quân sự hình
thành và phát huy tác dụng.
Để làm sáng tỏ và nhận diện tư tưởng quân sự thời này, dưới đây
lần lượt đề cập đến hai vấn đề lớn. Đó là tình hình đất nước và những hoạt
động quân sự chủ yếu từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XIII, và tư tưởng quân sự
thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý.
I- TÌNH HÌNH ĐẤT NƯỚC
TỪ THẾ KỶ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỶ XIII
1. Tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa -xã hội