giám quan do triều đình cử. Các sĩ tử muốn dự thi Hội đều phải trúng tuyển các kỳ thi Hương.
Vua Lê Thánh Tông đặt ra lệ "bảo kết hương thí" và lệ "cung khai tam đại" tức là bắt các xã
phải bảo đảm người ứng thi phải là người có đức hạnh (trung thành với chế độ phong kiến),
phải khai lý lịch ba đời, nếu là con cháu nhà xướng ca, con cháu những kẻ chống đối lại triều
đình thì nhất thiết không cho tham gia dự thi.
Từ năm Mậu Thân (1428) đến năm Đinh Hợi (1527), nhà nước Lê Sơ đã tổ chức được
31 khoa thi Hội, tuyển được 1.007 tiến sĩ, riêng thời Lê Thánh Tông có 12 khoa thi Hội lấy
501 tiến sĩ. So với tổng số 2.335 tiến sĩ từ thời nhà Lý đến thời Khải Định cho thấy giáo dục
khoa cử thời Lê Sơ rất thịnh đạt, nhất là triều Lê Thánh Tông.
Có được kết quả trên do nhà nước rất chú trọng đến việc giáo dục đào tạo và sử dụng
nhân tài. Triều đình đề ra nhiều chính sách ưu đãi đối với kẻ sĩ. Năm Giáp Dần (1434), định
lệnh tuyển lính, các giám sinh Quốc Tử Giám đều được miễn. Năm Hồng Đức thứ 19 (Mậu
Thân- 1488), vua Lê Thánh Tông xuống chiếu: "Từ nay trở đi, phàm học trò đã từng đọc sách,
biết làm văn mà có hạnh kiểm đã thi đỗ và được miễn tuyển thì miễn cho nửa phần thuế và sai
dịch, để mở rộng đức ý nuôi dưỡng nhân tài của triều đình"
10
.
Các tiến sĩ được nhà nước trọng vọng, tôn vinh và ban cho nhiều ân điển như: Vua ban
yến tiệc, mũ áo, làm bảng vàng treo ở cửa Đông Hoa; cấp cho ngựa tốt về quê vinh quy bái
tổ... Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, vua Lê Thái Tông là
người khởi xướng việc dựng bia tiến sĩ, sang đời vua Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 15
(Giáp Thìn - 1484) việc dựng bia bắt đầu được thực hiện và trở thành định lệ. Trong tấm bia
ghi tên tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất (1442) - năm Đại Bảo thứ ba do Thân Nhân Trung soạn,
ghi rõ: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao,
nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy, các đấng thánh đế minh vương chẳng
ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu
tiên"
11
.Điều này càng cho thấy "việc học được triều Lê Sơ rất chú trọng".
Chế độ giáo dục thi cử thời Lê Sơ đã đào tạo ra một đội ngũ quan lại đông đảo đáp
ứng yêu cầu của bộ máy hành chính nhà nước quân chủ phong kiến, đồng thời cũng sản sinh
ra nhiều tài năng trên các lĩnh vực văn học, sử học, toán học làm rạng danh nền văn hiến nước
nhà.
Văn học chữ Hán vẫn chiếm ưu thế. Lực lượng sáng tác văn học chủ yếu vẫn là các
nho sĩ, quan lại. Nội dung các tác phẩm có nhiều xu hướng khác nhau nhưng nhìn chung đều
phản ánh khí thế vươn lên của tầng lớp nho sĩ, bộc lộ ý thức tự cường quốc gia mạnh mẽ,
đồng thời phản ánh địa vị thống trị của Nho giáo. Có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng ra đời
trong thời kỳ này như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Quỳnh uyển cửu ca, Phú
núi Chí Linh, Phú Xương giang, Phú Lam Sơn....
Bên cạnh văn học chữ Hán chiếm ưu thế, văn học chữ Nôm thời Lê Sơ cũng có một vị
trí quan trọng trên văn đàn với nhiều tác phẩm có giá trị. Tiêu biểu là bộ Quốc âm thi tập của
Nguyễn Trãi gồm 254 bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của đất nước, phản ánh lòng tự hào dân tộc