Đơn vị tiền tệ và đo lường được quy định thống nhất: năm Mậu Thân (1428), định 50
đồng là 1 tiền; năm Kỷ Mùi (1439), định 60 đồng là 1 tiền. Cùng năm Kỷ Mùi (1439), vua Lê
Thái Tông quy định kích thước của một số hàng hoá chính như vải, lụa, giấy. Năm Ất Mùi
(1475), vua Lê Thánh Tông ban hành mẫu thống nhất các đơn vị đo diện tích ruộng đất và
đong lường thóc gạo.
Thương nghiệp cũng có những bước phát triển nhất định. Kinh sư (Thăng Long) - một
trung tâm kinh tế lớn của Đại Việt là nơi tập trung nhiều thợ thủ công và thương nhân trong cả
nước. Dân các nơi tụ tập về đây làm ăn ngày càng đông đúc, việc buôn bán có phát đạt hơn
các vùng khác, nhưng nhà nước không chủ trương khuyến khích thương mại ở các thành thị,
sợ rằng việc buôn bán sẽ ảnh hưởng xấu đến quan lại, làm cho họ chểnh mảng "việc nước".
Xuất phát từ quan niệm đó, năm Tân Sửu (1481), viên quan phủ Phụng Thiên đề nghị triều
đình đuổi tất cả những người tạp cư phải trở về quê quán làm ăn. Kiến nghị này không được
thực thi vì làm như vậy "sợ rằng việc buôn bán ở đất Kinh sư sẽ giảm sút, không giữ được vẻ
phồn thịnh, không những kẻ buôn bán sẽ bị thất nghiệp, mà chợ búa, phố xá rồi sẽ vắng vẻ,
thuế ngạch sẽ thiếu hụt, thật là bất tiện"
8
.
Ngoại thương dưới thời Lê Sơ có phần kém phát triển hơn thời Lý - Trần do triều đình
hạn chế, kiểm soát khắt khe thuyền buôn và thương nhân nước ngoài nhằm giữ vững an ninh
quốc gia. Các cơ quan kiểm soát ngoại thương được đặt khắp các cửa ải vùng biên giới và các
cửa biển dọc theo miền duyên hải. Nhà nước quy định những người nước ngoài và các thuyền
buôn không được vào nội trấn, chỉ được buôn bán ở một số địa điểm nhất định như: Vân Đồn,
Vạn Ninh (Quảng Ninh); Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An); Thông Lãnh (Lạng Sơn); Cửa Triều
(Thanh Hoá). Nhân dân dọc biên giới và miền ven biển nếu tự ý mua bán hàng hoá hoặc đón
tiếp thuyền buôn ngoại quốc đều bị nghiêm trị. Năm Quang Thuận thứ 8 (Đinh Hợi – 1467),
tàu buôn nước Xiêm La đến Vân Đồn, dâng tờ biểu làm bằng vàng lá và hiến phương vật để
được buôn bán nhưng bị vua Lê Thánh Tông từ chối. Do có những quy định như vậy nên
ngoại thương thời Lê Sơ kém phát triển. Thuyền buôn các nước ra vào thưa dần. Tuy nhiên
những quy định nghiêm ngặt của nhà nước chỉ hạn chế chứ không thủ tiêu được xu hướng
phát triển của kinh tế hàng hoá, việc buôn bán với người nước ngoài vẫn diễn ra. Sử cũ ghi lại
khá nhiều sự kiện các sứ thần nước ta cũng như Trung Quốc mỗi lần đi sứ đều đem theo hàng
hoá khi về nước. Mặc dù triều đình đã đặt ra lệ hễ sứ thần nào mua hàng hoá về đều bị tạm thu
rồi đem bày ra giữa sân điện cho mọi người biết, sau đó mới cho lấy về nhưng vẫn không thể
cấm được việc mang hàng hóa của những viên quan đi sứ.
Chính sách kiểm soát chặt chẽ quan hệ buôn bán với nước ngoài của nhà nước Lê Sơ
đã hạn chế sự phát triển kinh tế hàng hoá và là nguyên nhân của tình trạng sa sút ngoại thương
ở thế kỷ XV.
Đất nước độc lập, lãnh thổ ngày càng được mở mang, đó là những điều kiện thuận lợi
để kinh tế Đại Việt thời Lê Sơ phục hồi và phát triển trong những năm sau chiến tranh. Nhà
nước đã có những chính sách tích cực trong sản xuất nông nghiệp, mở mang nội thương nên