phủ huyện nào có đất bồi ven biển phải cho người ít ruộng tình nguyện bồi đắp, khai khẩn nộp
thuế. Theo chú thích của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì miền duyên hải
Bắc Bộ ngày nay từ thời Lê Sơ đã có những con đê ngăn nước mặn đắp bằng đá hay bằng đất
để bảo vệ đồng ruộng; riêng miền ven biển Ninh Bình còn có một con đê ngăn nước mặn gọi
là đê Hồng Đức.
Để khai khẩn những vùng đất hoang rộng lớn ở miền trung du, năm Kỷ Mùi (1499)
triều đình sai Thừa ty Thanh Hoá cho phép những người lương thiện đưa gia đình lên khai
khẩn. Những vùng đất hoang lại được khai thác thêm một phần.
Khuyến khích và tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển: Nhằm tăng cường nhân lực
cho sản xuất nông nghiệp, ngay sau khi kết thúc chiến tranh, Lê Lợi chỉ giữ lại 10 vạn quân
thường trực, còn 25 vạn quân sĩ cho về sản xuất. Số quân giải ngũ này góp phần đáng kể vào
việc tăng cường sức sản xuất cho nông nghiệp.
Sức kéo đóng một vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ý thức được điều
đó nên triều Lê Sơ chú trọng đến việc bảo vệ trâu bò. Pháp luật triều Lê có những điều khoản
quy định bảo vệ sức kéo; tội ăn trộm trâu bò bị trừng trị nặng hơn các tội trộm cắp khác; việc
mua bán, di chuyển trâu bò, đến cả việc trâu bò bị chết, giết trâu bò làm thịt đều bị kiểm soát
chặt chẽ để tránh tình trạng gian lận hay giết mổ bừa bãi. Năm Kỷ Dậu (1489), vua Lê Thánh
Tông còn xuống chỉ cấm giết trâu bò vào lúc ban đêm và chỉ có trâu bò chết được khám
nghiệm rồi mới cho mổ làm thịt.
Các vua Lê nhiều lần ban hành chiếu khuyến nông, đồng thời khôi phục lại "lễ tịch
điền": Hằng năm, vào đầu mùa xuân, nhà vua đích thân ra cày mấy đường ở thửa ruộng đặc
biệt gọi là tịch điền để mở đầu mùa cày cấy cho nông dân. Triều đình ban hành nhiều chính
sách rất cụ thể quan tâm đến nông nghiệp như: không huy động sức dân vào những lúc đang
mùa vụ; chỉ được phép chuộc ruộng vào những tháng rỗi rãi của đồng ruộng. Năm Ất Mão
(1435), triều đình ra lệnh cho các quan địa phương nếu việc công dịch mà có hại đến nghề
nông thì "không được khinh động sức dân".
Triều Lê Sơ cũng rất chú trọng đến xây dựng, bảo vệ đê điều và các công trình thủy
lợi. Trong hệ thống quan lại triều đình có chức Hà đê quan - quan chuyên trông coi đê điều.
Chức quan này đặt đến cấp phủ, huyện. Công việc kiểm tra, sửa sang đê điều được tiến hành
thường xuyên trong năm với quy chế chặt chẽ. Những lúc việc đắp đê điều cấp thiết, nhà nước
huy động nhân dân, quân lính cho đến cả học sinh Quốc Tử Giám. Học sinh Quốc Tử Giám là
"sinh viên đại học" của chế độ phong kiến hầu hết là con em của tầng lớp quý tộc quan liêu,
được miễn trừ mọi thứ công dịch, chỉ phải huy động trong hai trường hợp tối quan trọng là khi
có giặc uy hiếp kinh thành và khi đê điều cấp thiết. Vừa quản lý tu sửa, bảo vệ tốt các công
trình đê điều được xây dựng ở các triều trước nhà Lê Sơ còn cho xây dựng một hệ thống
đê ngăn nước mặn ở vùng ven biển, nhiều sông, kênh ở các địa phương được nạo vét, khơi
dòng để tưới tiêu đồng ruộng và phục vụ nhu cầu vận chuyển. Năm Mậu Ngọ (1438), Lê Thái