nền kinh tế nước ta ở thế kỷ XV có những chuyển biến căn bản, góp phần vào công cuộc ổn
định đời sống nhân dân và tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia.
c) Phát triển giáo dục - văn hoá
Ngay sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ cho dựng lại Quốc Tử Giám ở Kinh thành Thăng
Long và mở trường học ở các lộ, mở khoa thi cho phép những người có học đều được tham
gia dự thi. Quốc Tử Giám không chỉ dành cho con em tầng lớp quý tộc, một số ít con em của
tầng lớp bình dân học hành ưu tú cũng được lựa chọn vào học. Trường ở các lộ dành cho tất
cả mọi người có điều kiện học tập. Những người giảng dạy ở các trường đều do nhà nước
tuyển chọn và bổ nhiệm gọi là giáo quan. Các giáo quan yếu kém sẽ bị sa thải. Ngoài hệ thống
trường công do nhà nước tổ chức còn có những lớp học tư tại các địa phương do những nho sĩ
không đỗ đạt, lỡ vận hoặc các quan lại về hưu mở, thu nạp khá nhiều người đến học.
Dưới triều Lê Thánh Tông, sự nghiệp giáo dục càng được coi trọng hơn nữa. Hệ thống
các trường được mở rộng và có quy củ hơn. Năm Quý Mão (1483), nhà vua cho xây dựng lại
Văn Miếu, mở rộng Thái học viện. Các tài liệu học tập đều lấy từ Tứ thư, Ngũ kinh. Đề thi
trong các kỳ thi Hội đều lấy trong các sách Luận ngữ, Mạnh tử, Xuân thu, Trung dung, Đại
học. Năm Đinh Hợi (1467), vua Lê Thánh Tông đặt ra chức Bác sĩ dạy ngũ kinh (Dịch, Thi,
Thư, Lễ, Xuân thu), mỗi người chuyên nghiên cứu một kinh để giảng dạy cho giám sinh Quốc
Tử Giám. Chế độ thi cử được tổ chức thường xuyên và có quy định rõ ràng. Khoa thi đầu tiên
của thời Lê Sơ được tổ chức vào năm Đinh Mùi (1427), khi Lê Lợi còn bao vây giặc Minh ở
thành Đông Quan, kỳ thi này đã chọn 36 người trúng tuyển bổ nhiệm làm An phủ sứ các lộ và
Viên ngoại lang ở các bộ. Năm Kỷ Dậu (1429), Lê Thái Tổ mở khoa thi thứ hai gọi là khoa
Minh kinh ở thành Đông Kinh để khảo xét lại các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống và tuyển
lựa thêm nhân tài bổ sung vào bộ máy nhà nước. Năm Tân Hợi (1431), Lê Thái Tổ mở khoa
thi Hoành từ ở Bồ Đề. Như vậy, ngay trong những năm đầu nhà Lê Sơ đã mở các khoa thi để
tuyển dụng quan lại nhưng việc thi cử chưa thành quy chế rõ ràng, chỉ khi nào cần người thì
nhà nước mới mở khoa thi. Đến thời vua Lê Thái Tông (1433-1442), việc thi cử được chú
trọng. Với quan điểm: "Muốn có nhân tài, trước hết phải lựa chọn kẻ sĩ, mà phép chọn lựa kẻ
sĩ phải lấy thi cử làm đầu"
9
, Lê Thái Tông đã quy định các thể lệ thi cử rất quy củ: cứ 3 năm
mở một khoa thi Hương. Năm trước thi Hương ở các đạo, năm sau thi Hội ở Kinh đô. Kỳ thi
Hương ở các đạo bắt đầu được mở vào năm Thiệu Bình thứ 5 (Mậu Ngọ - 1438). Khoa thi
Hội đầu tiên được mở vào năm Nhâm Tuất (1422). Trong kỳ thi này có 450 thí sinh ứng thi và
có 33 người trúng tuyển, trong đó có những tài năng xuất chúng như Ngô Sĩ Liên, Nguyễn
Như Đổ. Dưới các triều vua nối tiếp, số người tham gia thi Hội ngày càng đông. Có những kỳ
thi số thí sinh tham dự có tới hàng ngàn người như kỳ thi năm Ất Mùi (1475). Dưới thời vua
Lê Thánh Tông, thể lệ thi cử được bổ sung thêm nhiều quy định, mọi thiết chế về giáo dục
được hoàn chỉnh. Năm Quý Mùi (1463), định rõ: cứ cách 3 năm mở một kỳ thi Hội vào những
năm Sửu, Thìn, Tỵ và Tuất. Nội dung thi Hội cũng được định lại với 4 kỳ thi và người thi
được lựa chọn trong một số đầu đề thi nhất định. Kỳ thi Hương vẫn được tổ chức ở các đạo,