ven biển miền Bắc từ Thanh Hóa trở ra, phải thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, phòng giữ, duy trì
sự ổn định ở vùng biển thuộc địa bàn của địa phương mình.
Nhằm tăng cường khả năng bảo vệ các vùng ven biển trọng yếu, tháng 6 năm Tân Mão
(1831), triều Nguyễn định lệ bắn đại bác ở hai pháo đài Điện Hải và An Hải thuộc cửa biển
Đà Nẵng, trấn Quảng Nam. Khi phát hiện tàu địch vào hải phận, mỗi đài được bắn 3 phát
súng. Tiếp đó, triều Nguyễn ra lệnh đặt Thuận An trấn thủ (cơ quan quân sự và thương chính
của triều đình) để canh phòng, cai quản cửa biển Thuận An.
Đối với vùng biển phía Nam, vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài, cấp súng đạn,
khí giới, thuyền bè phái quân đóng giữ hai đảo Côn Lôn và Phú Quốc, nơi giặc cướp biển
thường quấy phá. Tiếp đó, triều Nguyễn lệnh đặt đồn Phú Quốc thuộc Hà Tiên. Trong đồn có
4 khẩu Hồng y cương pháo, 8 khẩu quá sơn đồng pháo và 50 lính, do Nguyễn Văn Sương làm
phòng thủ uý cai quản đóng giữ.
Tháng 2 năm Ất Mùi (1835), triều Nguyễn lệnh cho thủy quân đem thuyền hiệu chữ
"Bình” số 1, chở 40 binh lính và đạn dược, đồ dẫn lửa, diêm tiêu, lá chắn, dao, tiền, thuốc men
đến quân thứ Gia Định đóng giữ; đồng thời đổi đồn An Man ở thành Nam Vang thành Trấn
Tây. Một đội pháo thủ và một đội chăn voi, mỗi đội gồm có 50 người được giao nhiệm vụ
đóng giữ thành. Tháng 3 năm Bính Thân (1836), triều Nguyễn lệnh xây dựng đồn và pháo đài
ở đảo Côn Lôn, gọi là pháo đài Thanh Hải thuộc Gia Định; đồng thời điều động 50 binh lính,
do một suất đội phụ trách, dùng thuyền chuyển khí giới đến đóng giữ, mỗi năm thay phiên
nhau một lần để canh giữ vùng biển, đảo của ta ở vùng phía Nam.
Để tăng cường lực lượng phòng giữ vùng ven biển, tháng 4 năm Bính Thân (1836),
triều Nguyễn ra quy định số quân đóng ở thành Điện Hải và An Hải (Quảng Nam). Thành
Điện Hải có nhiều tàu thuyền tụ họp và quan trọng hơn, do 300 binh lính dưới sự chỉ huy của
một quản vệ đóng giữ. Thành An Hải do một phó vệ uý, hoặc thành thủ uý chỉ huy 20 binh
lính trấn giữ. Cả thành Điện Hải và pháo đài Định Hải, do một lãnh binh phụ trách. Cuối năm
1836, triều Nguyễn đặt quan đề đốc thủy quân và 15 thủy vệ (trước có 4 vệ), do một quan đô
thống cai quản. Mỗi vệ có hơn 500 người, chia làm 3 doanh (trung, tả, hữu), mỗi doanh đặt
một viên chưởng vệ. Tháng giêng năm Đinh Dậu (tháng l-1837), triều Nguyễn tổ chức xây
dựng pháo đài Ninh Hải ở Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa nhằm ngăn chặn các hoạt động của bọn
cướp trên biển và bọn buôn lậu thường trú ở đây.
Nhằm phát huy hiệu quả các hoạt động bảo vệ chủ quyền vùng biển, tháng giêng năm
Kỷ Hợi (tháng 1-1839), triều Nguyễn định lệ tuần biển cho các tỉnh ven biển. Nếu phần biển
hạt nào có giặc biển xuất hiện, viên quản đồn sở tại nơi đó và quan tỉnh phái đến không biết,
hoặc không đánh đuổi thì viên quản phải giáng hai cấp, suất đội giáng một cấp. Tháng 5 năm
Canh Tý (1840), người Xiêm tràn vào cướp phá đồn Đà Cần Luật (Hà Tiên). Quan quân địa
phương không tích cực tổ chức đánh đuổi. Triều Nguyễn giáng phòng thủ uý Phạm Văn Sỹ
hai cấp và án thủ Lê Quang Quyền một cấp. Trước đó, tháng 10 năm Nhâm Thìn (1832), theo