pháo binh và tượng binh, trong đó chủ yếu vẫn là bộ binh và thủy binh. Mục đích xây dựng
quân đội Nguyễn là bảo vệ nền độc lập, quốc gia thống nhất, song trước nhất là nhằm đề
phòng và đối phó với phong trào nổi dậy của nông dân, một lực lượng đông đảo trong xã hội,
bảo đảm cho sự tồn tại của chính quyền họ Nguyễn. Chính vì thế, từ những năm đầu thế kỷ
XIX, trong điều kiện đất nước tương đối ổn định, triều Nguyễn đã đề ra và thực hiện một số
chủ trương, chính sách nhằm xây dựng quân đội, từ tổ chức biên chế, tuyển mộ đến trang bị,
đào tạo, huấn luyện.
Quân đội họ Nguyễn được hình thành ngay từ năm 1558 (khi Nguyễn Hoàng đem
quân đến trấn thủ Thuận Hóa) đến đầu năm 1802 (Nguyễn Ánh đánh bại triều Tây Sơn), theo
hướng của một quân đội vương triều phục vụ cho mưu đồ cát cứ của chúa Nguyễn. Cơ cấu tổ
chức gồm: bộ binh, thủy binh, đại bác thần công (pháo binh) và tượng binh, trong đó, bộ binh
là lực lượng tác chiến chủ yếu. Năm 1790, quân đội Nguyễn Ánh đạt tới 3 vạn, gồm 5 doanh:
Trung, Tả, Tiền, Hậu, Tiên phong; mỗi doanh có 5 chi, mỗi chi 5 hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội
4 thập, mỗi thập 10 người. Riêng Trung quân thủy doanh có 5 thuận chi, mỗi thuận chi 3 hiệu,
mỗi hiệu 2 đội, mỗi đội 5 thập, có 5 khuông hiệu, 5 dực hiệu, mỗi hiệu 3 đội, mỗi đội 5 thập.
Từ năm 1802, vương triều Nguyễn ra đời, quân đội được kiện toàn, xây dựng lại theo mẫu
hình quân đội của nhà nước phong kiến độc lập, có cơ cấu tổ chức khá hoàn chỉnh và tương
đối thống nhất.
Về hệ thống bộ máy điều hành quân đội, triều đình có Bộ Binh chịu trách nhiệm quản
lý, điều động, thưởng phạt quân sĩ trong toàn quân. Đứng đầu Bộ Binh là một thượng thư,
dưới thượng thư là các chức tả, hữu tham tri và tả, hữu tỷ lang. Dưới quyền các quan trên có
các ty Vũ Tuyển, Kinh Kỳ, Khảo Công, Trực Tỉnh, Binh Trực xứ, chia nhau chịu trách nhiệm
về các mặt xây dựng, hoạt động của quân đội.
Tổ chức biên chế quân đội nhà Nguyễn tương đối thống nhất, trên có 5 quân: Trung,
Tiền, Hậu, Tả, Hữu, mỗi quân có một chưởng phủ (chánh nhất phẩm) và một đô thống (tòng
nhất phẩm), dưới có các doanh và vệ, đặt chức đô thống, hay thống chế, rồi vệ uý, phó vệ uý,
dưới nữa là cai, đội (chánh ngũ) và đội trưởng (chánh thất phẩm). Thủy sư ở Kinh kỳ có đô
thống đề đốc (chánh nhị phẩm) và một hiệp ký (quan văn nhị phẩm). Ở tỉnh lớn, có một đề
đốc, hay lãnh binh và một phó lãnh binh. Dưới có vệ úy, quản cơ, phó quản cơ, cai đội, đội
trưởng và ngoại ủy đội trưởng.
Quân đội thời Nguyễn được xây dựng với cơ cấu tổ chức, chỉ huy khá hoàn chỉnh và
chia thành hai lực lượng chính quy là vệ binh và cơ binh, lực lượng chiến đấu chính. Ngoài ra
còn có lính trạm, lính lệ chủ yếu phục vụ các công việc hành chính, chuyển công văn, giấy tờ.
Thời vua Tự Đức còn đặt thêm ngạch lính hương dũng, dân dũng, thổ dũng ở các làng xã.
Vệ binh là lực lượng đóng ở Kinh đô (Phú Xuân) có khoảng 40.000 quân, tổ chức
thành doanh (gồm 5 vệ), vệ (gồm 10 đội, do vệ uý chỉ huy), đội (gồm 5 thập, do suất đội chỉ