LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM - TẬP 2 - Trang 230

Thủy binh là một binh chủng lớn trong quân đội triều Nguyễn. Trong điều kiện địa lý

tự nhiên, nước ta có nhiều sông, biển, đảo gần, triều Nguyễn đã nhận thức được tầm quan
trọng cần phải xây dựng một lực lượng thủy binh nhất định làm nhiệm vụ canh giữ, tác chiến
bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đơn vị tổ chức của thủy binh là doanh (gồm 3 doanh
ở Kinh đô), vệ (hoặc cơ), đội, thuyền. Thuyền là đơn vị chiến đấu cơ sở, mỗi thuyền có từ 50-
60 người. Chỉ huy toàn bộ lực lượng thủy binh là thủy sư đô thống, đứng đầu doanh là chức
trưởng doanh. Thời vua Minh Mạng, thủy quân được chia ra làm 3 doanh, gồm 15 vệ.

Nhằm thống nhất quản lý và sử dụng thủy binh làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ vùng

sông, biển ở các địa phương, triều Nguyễn định lại ngạch thuyền cố định ở Kinh đô và các
tỉnh: Kinh sư có 120 chiếc không kể thuyền ngự và thuyền nhỏ theo hầu. Phủ Thừa Thiên: 20
chiếc, Quảng Nam: 44 chiếc, Quảng Ngãi: 18 chiếc, Bình Định: 26 chiếc, Phú Yên: 23 chiếc,
Khánh Hòa: 25 chiếc, Bình Thuận: 26 chiếc, Biên Hòa: 21 chiếc, Gia Định: 41 chiếc, Vĩnh
Long: 45 chiếc, Định Tường: 35 chiếc, An Giang: 42 chiếc, Hà Tiên: 30 chiếc, Trấn Tây: 60
chiếc, Quảng Trị: 14 chiếc, Quảng Bình: 22 chiếc, Hà Tĩnh: 6 chiếc, Nghệ An: 37 chiếc,
Thanh Hóa: 32 chiếc, Ninh Bình: 7 chiếc, Hà Nội: 12 chiếc, Nam Định: 48 chiếc, Hải Dương:
43 chiếc, Quảng Yên: 11 chiếc, Sơn Tây: 8 chiếc, Hưng Yên: 6 chiếc, Tuyên Quang: 10 chiếc
và Hưng Hóa: 5 chiếc. Thủy binh là lực lượng có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra trên các
sông và phòng giữ các cửa biển trọng yếu của Tổ quốc.

Tượng binh, thời kỳ đầu có tới 500 thớt voi, tổ chức thành 5 vệ (l doanh) ở Kinh đô và

một số cơ sở ở các tỉnh trọng yếu. Thời vua Minh Mạng, tượng binh được chú ý xây dựng.
Năm Kỷ Hợi (1839), vua Minh Mạng định lại các điều lệ tượng binh ở Kinh đô và các tỉnh,
quy định rõ ngạch voi, số đội và số người chăn. Ở Kinh đô gọi là ba Kinh Tượng nhất, nhị,
tam. Quảng Trị gọi là Trị Tượng, Nghệ An là An Tượng... Tượng binh được biên chế thành
đội, mỗi đội 40 con. Số voi tập trung nhiều ở Kinh đô (150 con), Quảng Nam (85 con), Bình
Định (30 con)... Đến những năm 40 của thế kỷ XIX, số lượng voi giảm dần, được tổ chức lại
thành 2 vệ ở Kinh đô và các đội tượng thuộc cơ binh các tỉnh.

Pháo binh (đại bác thần công) được triều Nguyễn quan tâm xây dựng, tổ chức thành

doanh (có danh Thần cơ ở Kinh đô), vệ (hoặc cơ ở các tỉnh) và đội. Mỗi vệ pháo binh gồm
500 người, có 10 khẩu thần công, 200 súng điều sang và 21 ngọn cờ, dưới quyền chỉ huy của
chánh, hoặc phó lãnh binh. Mỗi đội gồm 50 người, có 1 khẩu thần công. Các cơ, đội pháo
binh thuộc cơ binh các tỉnh chuyển thuộc doanh Thần cơ, phụ trách huấn luyện và cung cấp
súng đạn.

Kỵ binh thời Nguyễn rất ít, chỉ gồm 2 vệ kỵ binh thuộc quân cấm vệ, làm nhiệm vụ

bảo vệ hoàng thành.

Trong số các binh chủng kể trên, triều Nguyễn chú trọng đến việc xây dựng, phát triển

bộ binh và thủy binh thành lực lượng mạnh làm chỗ dựa để phòng thủ bảo vệ đất nước, song
chủ yếu là đối phó với các cuộc nổi dậy của nhân dân, để bảo vệ quyền lợi dòng họ Nguyễn.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.